Quán cà phê thành “bãi đáp”
Mới đây, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội vừa triệt phá một ổ nhóm bay lắc tại quán cafe Tôm Tít trên địa bàn xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Chủ quán là Lê Văn Nhâm, sinh năm 1992, trú tại địa bàn. Nhận thấy nhu cầu “bay lắc” của không ít thanh niên, Nhâm đã tự cải tạo một phòng trong quán cafe làm phòng riêng để phục vụ các “thượng đế”. Nhâm mua loa, đèn, đầu thu, âm ly về lắp trong phòng, đồng thời tích sẵn ma túy để bán cho khách. Nếu khách nào có nhu cầu làm “đại lý”, Nhâm sẵn sàng giao hàng cho khách, bán lại để kiếm lời.
Cuối tháng 3-2022, Phạm Xuân Trường (sinh năm 1994) cùng với Lê Phương Nam (sinh năm 1997), Đỗ Văn Mạnh (sinh năm 1994), đều trú tại xã Thắng Lợi, cùng với Trương Đình Hiếu (sinh năm 1995) trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín cùng rủ nhau đi uống bia “giải nhiệt” từ chiều tối đến khuya. Có chút men trong người, Trường rủ cả bọn đến quán Tôm Tít “giải trí” và được cả bọn đồng ý.
Vừa cưới vợ được thời gian ngắn, cũng có ý định mời anh em, bạn bè một bữa nhậu tới bến để cám ơn, nên Nam nhận nhiệm vụ đặt phòng và “bao thầu” cả ca cuối này. Gọi điện cho Lê Văn Nhâm không được, Nam nhắn tin qua mạng xã hội cho Lê Thành Lộc (sinh năm 2001) là bạn cùng thôn với Nhâm và cũng chơi với nhóm của Nam để hỏi đặt phòng. Đúng lúc đó Lộc cũng đang ở cùng với Nhâm tại quán Tôm Tít. Nhâm đồng ý cho hội của Nam thuê phòng qua lời nhắn nhủ của Lộc.
Đặt được phòng, Nam nhờ Lộc mua hộ ma túy ke và 2 viên kẹo để nhóm của mình sử dụng. Lộc đồng ý và lại nhờ Nhâm. Giá ma túy mà Nhâm đưa ra cho nhóm của Nam là 2,8 triệu đồng/chỉ ke và 300.000 đồng/1 viên ma túy kẹo. Tổng hết 3,4 triệu đồng. Nhóm của Nam chưa có tiền góp nên Nam nhận ứng tiền trước.
Thống nhất xong chi phí, giá cả, cả nhóm đưa nhau đến quán Tôm Tít. Riêng Nam có việc nên về nhà trước. Khi đến quán, có Lê Văn Việt là nhân viên của quán ra mở cửa và đưa cả nhóm vào phòng. Thấy Phạm Văn Nhật là người cùng thôn cũng đang ngồi chơi ở quán nên Phạm Xuân Trường rủ luôn vào chơi cùng. Một lúc sau xong việc riêng, Nam quay lại và đưa cho Nhâm một gói ma túy ke để xào. Sau khi xào xong Nam cầm đĩa ma túy ke vào phòng để sử dụng cùng đồng bọn. Chơi được một lúc thì Trương Đình Hiếu và Nam về trước. Trường, Mạnh, Nhật vẫn ở lại đến gần khuya thì bị lực lượng Công an huyện Thường Tín ập vào bắt quả tang và thu giữ tang vật tại chỗ.
Lách luật để hoạt động
Nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy thường tổ chức bay lắc tại các quán karaoke, quán bar hay các chung cư cao cấp thì giờ đây, các quán cafe vắng vẻ, xa trung tâm trở thành “bãi đáp” của các dân chơi. Khi lực lượng chức năng đang dồn toàn lực thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra các các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện như quán bar, karaoke sau những vụ cháy lớn, các động bay lắc sử dụng bóng cười vừa bị triệt phá thì các dân chơi dạt ra ngoài vùng ngoại thành, vùng giáp ranh để hoạt động.
Tinh vi hơn, nhiều quán bar, karaoke còn tìm mọi cách để lách luật, dù giấy phép hoạt động là quán cafe nhưng lại bài trí, tổ chức hoạt động bài bản như các quán bar nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Điển hình như vụ quán bar The Light vừa bị Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá ngày 13-7-2022.
Chủ quán The Light xin cấp giấy phép với ngành nghề là: “Kinh doanh quán cà phê, nghe nhạc, bia, giải khát, bán lẻ rượu tại chỗ, bán lẻ thuốc lá tại chỗ” nhưng quán lại hoạt động như một quán bar hiện đại. Chủ quán đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở ở khu dân cư mới còn thưa thớt người. Xung quanh chủ yếu là nhà nghỉ, khách sạn, quán bia, quán ăn… Đây cũng chính là chiêu trò “lách luật” của chủ quán bởi vì với giấy phép kinh doanh trên, quán này không nằm trong danh sách quản lý đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do lực lượng Công an cấp phép và quản lý.
Trước khi bị triệt phá, quán The Light mới khai trương được 1 tuần, nhưng đã có cả nghìn lượt khách đến vui chơi. Sở dĩ quán nhanh chóng đông khách như vậy vì mô hình của quán được thiết kế hiện đại, mới lạ gồm 2 sàn, mỗi sàn gần 300m2, đầu tư trang bị thiết bị vào bậc nhất trên địa bàn huyện Việt Yên, Bắc Giang, 2 sàn đều có thể hướng về phía trung tâm sân khấu; sàn 1 hoạt động dạng quán bar, vũ trường.
Trung bình mỗi đêm có hàng trăm người đến vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, dù giấy phép là quán cà phê, giải khát, song kiểu cách thiết kế, bố trí lại là dạng quán bar, hoạt động rất bài bản với 30 nhân viên ở các bộ phận như: Điều hành, lễ tân, pha chế, phục vụ, bảo an. DJ sẽ chơi nhạc với âm lượng cực lớn nên người đến đây hầu hết là uống rượu thật say hoặc sử dụng ma túy mới chịu được tiếng ồn. Tuy nhiên, vì thiết kế rất hiện đại, cách âm tốt nên những người dân xung quanh không hề nghe tiếng ồn ào, chỉ thấy rất đông xe ôtô đỗ ngoài cửa quán từ 20h đến 24h hoặc gần sáng hôm sau.
Khi lực lượng chức năng ập vào thì phát hiện có 289 người đang tụ tập, bay lắc. Trong số đó có rất nhiều người đến từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và một số tỉnh miền Nam… Ngoài ra còn có khách nam quốc tịch Trung Quốc, nữ DJ quốc tịch Ukraine. Đặc biệt, có một số người là cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng với chiêu trò lách luật bằng giấy phép kinh doanh, quán Coffee DJ ở tổ dân phố My Điền (Việt Yên, Bắc Giang) do Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1998 quản lý, cũng đã tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho các dân chơi. Dù là cơ sở kinh doanh cà phê, nước giải khát, âm nhạc, nhưng tại thời điểm bị kiểm tra, quán Coffee DJ có 144 người đang uống bia, nước giải khát, nghe nhạc và nhảy, qua test nhanh, phát hiện 72 trường hợp dương tính với ma túy.
Trước đó, cuối tháng 4-2022, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt giữ đối tượng Vũ Trường (SN 1992, trú tại khu 1, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên) và chủ quán Cafe Dreamer (Khu 6, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi mua bán chất ma túy. Mở quán Cafe Dreamer nhưng mục đích của chủ quán là qua mắt lực lượng chức năng để tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Tại thời điểm bị bắt, Trường cùng một số đối tượng đang sử dụng ma túy tại quán Cafe Dreamer. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã thu giữ 1 túi thảo mộc khô (nghi là cần sa) cùng một số dụng cụ dùng để chế biến cần sa.
Khám xét nơi ở của Vũ Trường, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 3 túi nilon chứa thảo mộc khô. Trường khai nhận, số thảo mộc này là cần sa mua trên mạng xã hội với mục đích sử dụng và bán kiếm lời.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com