Những năm 2015 – 2019 được ví như “thời kỳ hoàng kim” của các loại trà sữa ngọt đậm với những tên tuổi nổi bật như Dingtea, Chago, Gongcha,… Sau đó, The Alley tiên phong trào lưu về sữa tươi trân châu đường đen thơm béo cùng với Tiger Sugar, Sharetea,… vào năm 2020. Nhưng từ năm 2022 đến nay, trà sữa đậm vị trà mới là thức uống thực sự “lên ngôi” trong thị trường đầy tiềm năng này.
Vậy trà sữa đậm vị có gì khiến mọi người “mê mẩn” đến vậy? Có nên kinh doanh trà sữa đậm vị vào thời gian này? Công thức pha chế trà sữa đậm vị có khó không? Hãy cùng tìm ra câu trả lời trong bài viết dưới đây!
1. Trà sữa đậm vị là gì? Tại sao giới trẻ lại “phát cuồng” vì trà sữa đậm vị?
Cách đây vài năm, hàng loạt thương hiệu từ Đài Loan, Singapore và cả Việt Nam đã tạo thành một “cơn lốc trà sữa”. Mặc dù sôi động là thế, đáng tiếc thay là thị trường trà sữa gần đây đang trở nên bão hòa do tốc độ phát triển quá nhanh cùng sự gia nhập của vô vàn thương hiệu mới. Chỉ cần đi trên một con phố ngắn là khách hàng có thể thấy đến 2 – 3 quán trà sữa nằm san sát với menu “na ná” nhau. Đặc biệt, hương vị trà sữa đậm vị ngọt khiến cho nhiều người thấy đồ uống của thương hiệu nào cũng giống nhau, không có sự khác biệt rõ ràng.
Tưởng chừng như mô hình kinh doanh trà sữa bắt đầu “hết thời”, trà sữa đậm vị nổi lên như một “làn gió mới” tạo ra trào lưu bùng nổ trong ngành F&B. Những thương hiệu tiên phong cho trào lưu trà sữa đậm vị thành công nhất phải kể đến Phúc Long, Phê La,… với những loại đồ uống “signature” như Trà sữa Phúc Long, Trà Ô long Phê La,… được các bạn trẻ “mê mẩn” và sẵn sàng chi trả từ 55.000 VND – 65.000 VND/cốc mà không hề ngần ngại. Vậy trà sữa đậm vị có gì đặc biệt đến vậy hay chỉ là “thủ thuật” marketing để thu hút khách hàng?
1.1. Trà sữa đậm vị có thực sự khác biệt?
Điểm nổi trội nhất của trà sữa đậm vị chính là vị trà thơm đậm tự nhiên, chất lượng, không bị cảm giác dùng nguyên liệu công nghiệp. Trà sữa đậm vị trà không đắng mà sẽ có vị hơi chát nhẹ nhàng của trà được ủ đặc, kết hợp với sữa thơm béo vừa đủ sẽ tạo nên hậu vị đáng nhớ đúng chất “gây nghiện” cho người thưởng thức. Trà sữa đậm vị giúp cho người uống khá tỉnh táo do lượng trà đậm đặc khá nhiều. Thậm chí, nhiều người chưa quen uống trà đậm vị còn có thể bị “say trà” đến ngày hôm sau.
Trà sữa đậm vị thường được pha chế từ nguyên liệu là trà đen (hồng trà) hoặc trà ô long nên có hương thơm đặc trưng xen lẫn chút cảm giác chát nhè nhẹ, hậu vị sẽ dần trở nên ngọt hơn để dung hòa trải nghiệm vị giác. Đặc biệt, chỉ những loại trà chất lượng, có nguồn gốc uy tín được ủ bằng đúng phương pháp trong thời gian phù hợp mới có thành phẩm đúng hương vị. Tỷ lệ trà và sữa cũng cần cân đo đong đếm làm sao để có hương vị trà sữa đậm vị trà nhưng không bị quá đắng chát. Nhiều người nhận xét uống trà sữa đậm vị sẽ cảm nhận hương vị trà rõ hơn so với các loại trà sữa thông thường.
1.2. Trà sữa đậm vị trở thành “trend” phải chăng là nhờ chiến thuật marketing đỉnh cao?
Tạm gác lại câu chuyện về hương vị sản phẩm, trà sữa đậm vị bỗng dưng bùng nổ thành trào lưu “hot” là do đâu? Trên các mạng xã hội, nhiều người đưa ra nhận xét rằng Phê La không phải là thương hiệu đầu tiên mang trà sữa đậm vị tới khách hàng. Trước đó, Phúc Long cũng đã “nổi đình nổi đám” với hương trị trà sữa đậm đặc vị trà đặc trưng nổi bật. Tuy nhiên, từ khóa “trà sữa đậm vị” phải đến khi Phê La xuất hiện mới tạo ra trào lưu mô hình kinh doanh mới trên thị trường F&B. Hàng loạt các thương hiệu mới gắn liền với sản phẩm trà sữa đậm vị, trà ô long đậm vị,… được mở ra tạo nên một xu hướng mới.
Một số chuyên gia trong ngành F&B nhận định, tâm lý của người mua hàng rất ưa chuộng những sản phẩm gắn liền với mác “đậm”, “đặc”, “chất” – những từ đảm bảo về mặt chất lượng. Các thương hiệu trà sữa đậm vị (điển hình là Phê La) đã “lợi dụng” tâm lý này để xây dựng điểm khác biệt của thương hiệu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm để tạo ra “trend” mới trên thị trường. Trà sữa đậm vị không mới, cái mới là Phê La đã biết cách áp dụng những thủ thuật marketing nắm bắt đúng sở thích và tâm lý của khách hàng thành công.
Đáng chú ý, khi đã trở thành “trend”, trà sữa đậm vị còn là một phương tiện thể hiện “phong cách sống” của giới trẻ ngày nay. Thế hệ trẻ Gen Z – những người sinh từ năm 1997 – 2012, chiếm khoảng 1/3 dân số Việt Nam là nhóm đối tượng “nặng đô” nhất với trà sữa sẵn sàng chi tiêu “mạnh tay” cho loại thức uống yêu thích của họ. Giống như cầm trên tay đồ uống Starbucks bộc lộ rõ sự “sang chảnh”, phải chăng một cốc trà sữa đậm vị từ Phúc Long, Phê La hay thương hiệu khác cũng là một cách để giới trẻ thể hiện bản thân là người “có gu” trong việc thưởng thức đồ uống?
2. Top 9 quán trà sữa đậm vị được ưa chuộng nhất
Bạn đang có ý định kinh doanh trà sữa đậm vị để đón đầu xu hướng đang “hot rần rần” này? Cùng điểm danh ngay những thương hiệu trà sữa đậm vị được giới trẻ “săn lùng” nhiều nhất hiện nay và học hỏi cách làm sản phẩm của họ có gì đặc biệt:
2.1. Phúc Long
Ngay từ khi ra mắt, Phúc Long đã có thế mạnh nổi bật nhất về sản phẩm có hương vị đậm vị trà nổi trội khác biệt vừa truyền thống, vừa hiện đại, đáp ứng được gu thưởng trà khắt khe, khó tính của người Việt. Phúc Long luôn truyền thông về sứ mệnh “chắt chiu từng búp trà non tươi nguyên thượng hạng để sáng tạo nên thức uống thơm ngon – đậm vị”. Có lẽ vì thế mà trà sữa đậm vị Phúc Long hợp sở thích của dân văn phòng, công sở cần nhiều “caffein” để tỉnh táo làm việc hơn là các bạn trẻ gen Z.
Một số loại trà sữa đậm vị “signature” là Hồng trà sữa, Trà sữa Phúc Long với mức giá 50.000 – 55.000 đồng/ly. Gần đây, thương hiệu cũng khá táo bạo khi ra mắt những thức uống mới sáng tạo hơn như Trà sữa nhãn sen, Trà sữa berry berry, Trà sữa lài coco,… Nhưng dù kết hợp với nguyên liệu nào khác, trà sữa Phúc Long vẫn nổi trội nhất là vị trà vô cùng đậm đà và khác biệt. Điểm trừ duy nhất của trà sữa Phúc Long do khách hàng đánh giá có lẽ là thiếu topping. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc không có topping khá dễ hiểu vì thương hiệu muốn khách hàng tập trung thưởng thức trà. Nói chung, cho dù nhiều thương hiệu mới ra đời, Phúc Long vẫn luôn giữ vị trí là một “tượng đài lớn” của dòng thức uống trà sữa đậm vị. Bạn có thể thưởng thức Phúc Long tại nhiều cửa hàng trên toàn quốc.
Xem thêm: Chiến lược kinh doanh của Phúc Long Coffee & Tea – Từ “kẻ ẩn mình” đến thương hiệu nửa tỷ đô
2.2. Phê La
“Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt” – một lời khẳng định đầy mạnh mẽ và tự hào quen thuộc mà mọi người dễ dàng bắt gặp mỗi khi đặt chân đến Phê La. Đồ uống tạo nên đặc trưng cho thương hiệu này chính là Trà sữa ô long và Ô long nhài sữa – hai món best seller của Phê La được pha chế bằng Syphon – phương pháp pha chế cà phê bằng áp suất để tạo ra lớp kem bọt đặc trưng. Mức giá đồ uống Phê La cũng trong cùng phân khúc với Phúc Long – từ 55.000 – 60.000 đồng/ly.
Một lý do khác để Phê La nhận được sự “ưu ái” từ gen Z hơn chính là sáng tạo hai loại topping là Trân châu ô long và Trân châu gạo rang dùng kèm để thêm phần “vui miệng”. Trân châu dẻo và thơm khiến ai cũng có thể ngửi được mùi hương đặc trưng từ trà và gạo ngay khi mở cốc trân châu tạo ra xu hướng mới được nhiều bạn trẻ yêu thích. Phê La hiện đã có 15 cửa hàng tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt.
Xem thêm: Vì sao thương hiệu Phê La “nổi như cồn” trong thời gian gần đây?
2.3. Cheese Coffee
Cheese Coffee là một trong những cái tên có sức ảnh hưởng hàng đầu đến giới trẻ Sài thành. Và một trong những thức uống đặc trưng được hội người dùng check-in đông đảo nhất phải kể đến Trà sữa nguyên lá hoặc Trà sữa lài. Hai loại thức uống trà sữa đậm vị này đã góp phần làm nên tên tuổi của Cheese Coffee.
Trà sữa nguyên lá và Trà sữa lài của Cheese Coffee ngoài vị thơm béo của sữa, còn đặc trưng với vị trà thanh ngọt, thơm nồng nhưng vẫn giữ được chút chát và đắng nhẹ ở hậu vị, thứ hiếm mà tìm thấy được ở những sản phẩm tương tự. Thức uống này có giá từ 50.000 đồng và khách hàng có thể chọn thêm các topping khác như trân châu, sương sáo, bánh flan… để dùng kèm với giá từ 10.000 – 15.000 đồng. Không chỉ giới trẻ Sài Gòn, dân tình Hà Nội cũng có thể thưởng thức trà sữa đậm vị của Cheese Coffee tại cơ sở tại thủ đô của thương hiệu này.
2.4. Katinat Saigon Kafe
Thời gian gần đây, thương hiệu Katinat đình đám tại Sài Gòn ngày càng tập trung và cho ra mắt nhiều vào các sản phẩm trà sữa, phù hợp với thị hiếu của đối tượng khách hàng trẻ trung. Trà sữa của Katinat được giới thiệu là pha chế từ những búp trà Ô long được trồng ở cao nguyên Mộc Châu. Trà sữa đậm vị từ Katinat nổi bật nhất phải kể đến Trà Ô long tứ quý sữa, Trà B’lao sữa, Trà ô long nướng sữa,… với giá từ 60.000 – 65.000 đồng/ly. Katinat cũng vừa cho ra mắt thêm món Trà sữa hồng D’ran – sự kết hợp hoàn hảo giữa hương trà thơm ngát với vị quả hồng chín mọng nên thơ rất đáng thử.
Với hương trà tinh tế, vị trà đậm đà, hậu vị ngọt thanh, trà sữa đậm vị từ Katinat có thể đánh thức mọi giác quan người thưởng thức. Thức uống này càng trở nên hấp dẫn khi được dùng với những topping “có một không hai” từ Katinat như Trân châu phô mai hay Phô mai jelly núng nính, béo ngậy. Các bạn gen Z ở thủ đô không cần ghen tỵ với giới trẻ Sài Gòn nữa vì mới đây Katinat cũng đã mở chi nhánh chính thức đầu tiên lại Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Xem thêm: Review menu Katinat Saigon Kafe: Katinat món nào ngon nhất?
2.5. The Tea Pub
The Tea Pub được giới thiệu là thương hiệu trà sữa Đài Loan với định vị “Đậm vị trà máy”. Không sử dụng phương pháp ủ trà thông thường, những ly trà của The Tea Pub được pha mới từ máy teapresso. Điểm khác biệt so với những thương hiệu khác là The Tea Pub cho phép khách hàng điều chỉnh độ đậm nhạt của trà theo sở thích cá nhân. Nếu như “đậm trà” có vị thơm nồng, chát nhẹ lan đều trong vòm miệng, “vừa trà” có vị trà cân bằng, dễ chịu và “thanh trà” lại dành cho những người muốn nhâm nhi vị trà thoảng nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, The Tea Pub cũng mang đến đa dạng hương vị trà sữa đậm vị khác nhau. Nào là Trà Ô long đào sữa, Yushan sữa, Ô long hạt phỉ cho nền trà ô long ngọt thanh, hương thơm ngào ngạt, chát nhẹ đầu lưỡi và hậu vị ngọt dịu. Nếu ưa thích nền trà xanh chát nhẹ với hương cốm và hậu ngọt lâu dài, Lục trà sữa Mộc của The Tea Pub là lựa chọn phù hợp. Mức giá 50.000 – 60.000 đồng/ly hoàn toàn xứng đáng với chất lượng của sản phẩm đến từ thương hiệu này. Bạn có thể thưởng thức trà sữa The Tea Pub tại Kiot Học viện Ngân Hàng, Hà Nội.
2.6. Lasimi
Gần đây, cư dân mạng trên TikTok cũng “sốt xình xịch” với thương hiệu LaSiMi – Trà ngon đậm vị. Nhờ sử dụng những lá trà tươi từ cao nguyên Lâm Đồng, trà sữa ô long của LaSiMi sở hữu vị trà đậm đầy ấn tượng kết hợp cùng lớp kem sữa tạo nên hương vị “đỉnh chóp gây nghiện”. Topping trân châu Ô long dai dai dẻo dẻo thơm lừng vị trà hay kem phô mai béo ngậy uống kèm khiến ai thử một lần là mê mẩn.
Chỉ với 35.000 – 40.000 đồng/ly, mức giá hợp lý của trà sữa đậm vị LaSiMi có thể tiếp cận đa dạng khách hàng, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Với sức hút mạnh mẽ ấy, cơ sở nào của LaSiMi mỗi ngày đều tiếp đón hàng trăm khách và shipper ra vào tấp nập mỗi ngày. Có thể thấy, chủ thương hiệu LaSiMi đã rất “thức thời” khi đón đầu xu hướng trà sữa đậm vị, nhưng lựa chọn phân khúc giá rẻ hơn để tránh đối đầu trực tiếp với các “ông lớn” như Phúc Long hay Phê La. LaSiMi hiện đang sở hữu 26 cơ sở tại Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh khắp cả nước.
2.7. Oola
Trà sữa đậm vị phải đắt mới là trà ngon? Suy nghĩ ấy sẽ được xóa bỏ ngay lập tức khi bạn uống thử trà sữa đậm vị đến từ Oola. Oola tự hào là thương hiệu tiên phong tại Việt Nam phát triển trà Ô Long đặc sản Bảo Lộc, Lâm Đồng. Dù mới chỉ ra mắt được vài tháng gần đây, Oola nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Thương hiệu đã có 2 chi nhánh tại Hà Nội và sắp mở cửa hàng thứ 3 tại Sài Gòn.
Chỉ với 35.000 đồng/ly, khách hàng sẽ được thưởng thức ngay một ly Ô long sữa hoặc Ô long nhài sữa đậm trà, thơm hương, ngậy sữa đến bất ngờ. Ở Oola, trà Olong được chăm chút tỉ mỉ với sự kết hợp giữa phương pháp ủ trà truyền thống và cách pha chế hiện đại, tạo ra hương vị đặc biệt và thú vị cho khách hàng.
2.9. LOFI
LOFI – “Ô Long Lâu Phai Đà Lạt” có lẽ là địa chỉ quen thuộc của nhiều tín đồ sành trà Ô long Đà Lạt tại Hà Nội. Thưởng thức trà sữa đậm vị trong không gian “cắm trại” chill chill là trải nghiệm khiến nhiều khách hàng ấn tượng nhất. Trà sữa của LOFI được làm từ các loại trà pha máy nên giữ nguyên được vị đậm và chát nhè nhẹ của trà, kết hợp với sữa béo ngậy tạo nên thành phẩm thơm ngon.
Bên cạnh Ô long sữa và Ô long nhài sữa khá phổ biến, LOFI cũng đưa vào menu một số hương vị mới như Ô long kiều mạch, Ô long sữa dừa. Đặc biệt, thức uống kết hợp giữa trà ô long, cà phê và sữa có tên “LOFI” cũng mang đến trải nghiệm vị giác mới mẻ, thú vị cho khách hàng.
2.9. TRÀ LÁ – Trà đậm vị pha máy – Teapresso
Nếu như các thương hiệu khác thường sử dụng trà Ô long Đà Lạt để pha chế trà sữa đậm vị thì TRÀ LÁ chọn một hướng đi khác. Với mong muốn tạo ra những sản phẩm mang hương vị đặc trưng nguyên bản, có vị trà tươi, đậm đà, TRÀ LÁ – một thương hiệu tại tỉnh Thái Nguyên đã chọn chính những búp trà quê hương là nguyên liệu chính cho mọi sản phẩm.
Qua quá trình nghiên cứu tỉ mỉ trước khi kết hợp, trà sữa được pha hoàn toàn bằng máy dưới nhiệt, áp suất cao cho ra hương vị tươi ngon nhất, bảo toàn dưỡng chất, giữ được vị trà tươi, đậm vị đặc trưng. Bạn có thể thử Ô long sữa, Ô long nhài sữa kèm trân châu Ô long đậm vị ấn tượng hoặc Trân châu nhài thoảng dịu hương thơm.
Trà sữa đậm vị không chỉ là một “hiện tượng” nhất thời mà còn đang trở thành một mô hình kinh doanh vô cùng tiềm năng trong ngành F&B. Nếu như Phúc Long, Phê La hay Katinat đang tranh đấu “miếng bánh” ở phân khúc cao cấp, thì phân khúc bình dân của trà sữa đậm vị vẫn còn cơ hội để những thương hiệu mới gia nhập và phát triển.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com