Đến Nhà máy chế biến cà phê Sơn La, tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn những ngày này, cảm nhận không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương, nhất là vào buổi tối, những chiếc xe ô tô tải chở đầy ắp cà phê nối đuôi nhau ra, vào nhà máy; tiếng máy sát, chế biến cà phê rộn rã.
Đang chờ đến lượt xe vào đổ cà phê, lái xe Lò Văn Thoan, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cho biết: Ban ngày, chúng tôi đi thu mua gom cà phê ở các bản, đến tối mới chở về đến nhà máy. Thường thì mỗi tối 1 chuyến, có hôm nhiều thì hai chuyến một ngày, đến chuyến thứ hai thì 1-2 giờ sáng mới đến được nhà máy.
Còn anh Sồng A Chia, bản Bó Ban, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn tự chở cà phê của gia đình về tận nhà máy để bán. Anh chia sẻ: Nhà tôi trồng 4 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch 60-80 tấn quả, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Mọi năm, cà phê bán cho các tư thương, có lúc họ mua, có lúc không, giá cả lại bấp bênh. Năm nay, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đi vào hoạt động, tôi tự chở ra bán cho nhà máy. Từ đầu vụ đến nay, tôi thu mua thêm của anh em họ hàng và người dân trong bản, đã bán cho nhà máy gần 200 tấn quả cà phê.
Nhà máy chế biến cà phê Sơn La khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi. Quy mô gần 4,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, nhà văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải, sân phơi cà phê… Hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/ngày, đêm, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt… Với quy trình sản xuất tuần hoàn, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc.
Hiện nay, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La hoạt động tối đa công suất, phục vụ tiêu thụ cà phê cho nhân dân. Anh Lê Xuân Vinh, Quản lý phân xưởng chế biến cà phê, giới thiệu: Dây chuyền chế biến của nhà máy hoạt động chủ yếu tự động, khép kín, cà phê tươi được máy xúc đẩy vào băng chuyền đổ vào các phễu để máy lọc quả xanh, quả không đảm bảo độ chín, chỉ xát những quả chín đỏ, rồi theo dây chuyền đến công đoạn sấy khô tĩnh đạt độ ẩm nhất định, rồi tiếp tục đến lò sấy động đạt đến độ ẩm, nhiệt độ tiêu chuẩn, sẽ tự động xả ra đóng bao thành phẩm. Trung bình mỗi đêm, Nhà máy chế biến 180-250 tấn quả tươi.
Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, cho biết: Hiện nay, đang vào chính vụ cà phê nên quả chín đạt 90%, đây là thời điểm cà phê đạt chất lượng tốt nhất. Vì vậy, Công ty chỉ đạo nhà máy tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi thu mua với số lượng lớn cà phê cho nhân dân. Tính từ đầu vụ đến nay, Công ty thu mua và chế biến gần 5.000 tấn quả cà phê tươi, hạt chế biến đến đâu được xuất bán hết cho các đối tác trong và ngoài nước.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 20.000 ha cà phê, sản lượng trung bình mỗi năm đạt hơn 200.000 tấn, chủ yếu là cà phê Arabica, cà phê thóc. Cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, tạo việc làm, thu nhập cao và ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân của một số huyện, Thành phố trong vùng quy hoạch trồng cây cà phê của tỉnh.
Chúng tôi rời Nhà máy chế biến cà phê Sơn La khi trời đã gần sáng, từng đoàn xe vẫn tấp nập nối đuôi nhau chở cà phê vào nhà máy; những người công nhân vẫn cần mẫn làm việc bên dây chuyền chế biến hiện đại. Nhà máy đang góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ cà phê bền vững cho nhân dân, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com