Khí nhà kính là khí có trong khí quyển, có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, có khả năng hấp thụ các tia có bước sóng trong dải sóng nhiệt hồng ngoại trên bề mặt trái đất, khí quyển và mây mù, ngăn cản và làm giảm lượng bức xạ của trái đất thoát ra ngoài vũ trụ, do đó làm nóng tầng bên dưới khí quyển và bề mặt trái đất.
Tác động của khí này giống tính chất của các tia nhiệt trong nhà kính (gây hiệu ứng nhà kính) nên gọi là khí nhà kính. Những khí nhà kính trong khí quyển trên bề mặt trái đất gồm: Hơi nước (H2O), cacbônic (CO2), ôxit nitơ (N2O), mêtan (CH4), ôzôn (O3), các khí CFC, HFCs, PFCs, SF6.
1. Chuỗi cung ứng cà phê và việc phát thải khí nhà kính
Hoạt động sản xuất cà phê cũng đóng góp vào việc phát thải khí nhà kính – nguyên nhân chính của hiện tượng biến đổi khí hậu, không những ở khâu sản xuất mà còn ở tất cả các công đoạn khác trong chuỗi cung ứng cà phê như chế biến, kinh doanh, rang xay, vận chuyển, đóng gói, bán lẻ, pha chế. Điều đó cần thiết phải có sự hợp tác của tất cả các tác nhân trong chuỗi để giảm lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường.
Trách nhiệm của ngành cà phê là một mặt giúp nông dân thích ứng (ứng phó với biến đổi khí hậu), một mặt phải giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường).
2. Phát thải ở giai đoạn canh tác đồng ruộng và biện pháp giảm thiểu
2.1. Khâu cắt cành, tạo hình, rong tỉa cây che bóng
Tác động: Việc rong tỉa, cắt cành quá mức sẽ làm giảm độ che phủ bề mặt đất tạm thời, gây thất thoát hơi nước từ cây và mặt đất, điều này đặc biệt bất lợi trong mùa khô nóng. Các tàn dư thực vật (cành, lá…) sau khi cắt cành, tạo hình cây cà phê và rong tỉa cây che bóng nếu vùi lấp sẽ tạo ra khí CH4, còn nếu đốt sẽ tạo ra khí CO2.
Biện pháp giảm thiểu: Tránh rong tỉa cây che bóng trong mùa khô và cuối mùa mưa. Cắt tỉa đúng kỹ thuật để loại bỏ các cành vô hiệu (cành vẫn hút nước và các chất dinh dưỡng nhưng không đem lại năng suất), loại bỏ các cành sâu bệnh, tránh ra hoa xa thân làm vận chuyển dinh dưỡng bị hạn chế và làm thông thoáng tán cây, tăng cường quang hợp cho cây. Tận dụng các phế phụ phẩm từ việc tạo hình, rong tỉa (cành, lá… được tỉa cắt để ép xanh, chôn ở các luống) để giảm thiểu lượng phân vô cơ, tăng cường dinh dưỡng cho cây.
2.2. Khâu tưới nước
Tác động: Tưới nước thường phải sử dụng các loại năng lượng chạy máy như điện, xăng dầu… sẽ phát thải ra CO2, tiêu hao điện cũng gián tiếp phát thải CO2. Vì vậy, việc tưới nước quá mức sẽ gây: Lãng phí nhiên liệu, làm tăng lượng khí phát thải. Tốn nhân công (làm tăng phát thải CO2 từ các hoạt động ăn, uống, đi lại, tắm rửa… của người sản xuất). Lãng phí nước (ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm).
Biện pháp giảm thiểu
Tưới đúng, tưới đủ nước theo định mức quy trình khuyến cáo của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng. Tránh tưới thừa nước kể cả những nơi có nguồn nước dồi dào và có thể dẫn nước tự chảy.
Sử dụng các thiết bị tưới nước có khả năng tiết kiệm nhiên liệu (với các thiết bị điện, thế hệ càng mới khả năng tiết kiệm điện càng cao). Nên chọn động cơ có nhiều nấc tốc độ hoặc có bộ phận điều chỉnh đi kèm để tiết kiệm điện. Lắp đặt thiết bị hợp lý và khoa học cũng góp phần tiết kiệm điện (Ví dụ: Vị trí máy bơm thích hợp sẽ giúp dòng chảy thuận lợi, tránh quá tải cho máy…). Khi dùng máy bơm, nếu rò rỉ nước cũng sẽ làm tốn điện, các van, ống phải thường xuyên được kiểm tra, bảo trì.
Sử dụng nguồn năng lượng sạch, là nguồn năng lượng tái tạo – không hoặc ít phát thải khí nhà kính: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện…
Tủ gốc để giảm bốc thoát hơi nước, cần xây dựng hệ thống dự trữ nước để cung cấp nước cho vườn cây trong mùa khô. Trồng cây hàng rào, cây che bóng, chắn gió để hạn chế bốc hơi nước, giảm cường độ nắng và nhiệt độ, giúp duy trì độ ẩm cho vườn cây.
2.3. Bón phân
Tác động: Bón phân đầy đủ và cân đối theo nhu cầu của cây vẫn gây phát thải khí nhà kính, do hiệu suất sử dụng các loại phân đạm của cà phê không bao giờ đạt 100%. Bón phân không cân đối, dư thừa đạm, gây phát thải N2O và CO2 nhiều hơn. Lạm dụng phân vô cơ quá mức sẽ làm tăng độ chua và thay đổi nồng độ các chất trung, vi lượng trong đất (như S, Cu, Zn…).
Biện pháp: Bón phân đúng lúc, đúng cách, bón cân đối. Tăng cường sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, vi sinh. Ngoài tác dụng bổ sung dinh dưỡng, phân chuồng còn tăng cường hệ số sử dụng các loại phân hoá học, từ đó làm giảm nhu cầu của cây về phân khoáng (là loại phân phát thải khí nhà kính cao). Đây cũng là biện pháp để tăng cường khả năng giữ chất dinh dưỡng và nước của đất và là công cụ hữu hiệu để chống xói mòn, rửa trôi đất. Xây dựng hệ thống chống xói mòn: Trồng băng chắn gió bằng các loại cây phân xanh, cây họ đậu theo đường đồng mức; tạo bồn cho cây hoặc tạo mương bờ để ngăn chặn xói mòn trong mùa mưa, giảm lượng dinh dưỡng bị rửa trôi.
3. Phát thải ở khâu chế biến và biện pháp giảm thiểu
3.1. Vận chuyển
Tác động: Công cụ vận chuyển (ô tô, máy kéo, xe máy…) trong quá trình vận chuyển cà phê đều tiêu tốn năng lượng hoá thạch (xăng, dầu) và phát thải ra khí CO2, đặc biệt khi sử dụng các động cơ cũ.
Biện pháp giảm thiểu: Xây dựng các xưởng chế biến tại các vùng quy hoạch sản xuất cà phê để rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển. Sử dụng các loại phương tiện vận chuyển ít tốn nhiên liệu, ít khí thải. Kiểm tra, thay mới và bảo dưỡng định kỳ các phương tiện vận chuyển. Khi sử dụng xe riêng nên kết hợp (Ví dụ nhiều người đi chung).
3.2. Chế biến ướt
Tác động: Là công nghệ tiêu thụ nhiều điện, nước, nhiên liệu dẫn đến phát thải khí CO2. Phế phẩm chế biến ướt (vỏ quả tươi) trong quá trình phân huỷ sẽ phát thải khí CH4. Nước thải từ chế biến ướt gây ô nhiễm và phát thải CH4, N2O.
Biện pháp: Giảm lượng nước sử dụng cho chế biến tới mức hợp lý. Sử dụng các loại thiết bị ít tiêu tốn nhiên liệu, ít khí thải. Sử dụng các phụ phế phẩm để ủ làm phân bón hữu cơ (trong quá trình phải che tủ để giảm hiện tượng bay hơi và phát thải khí CH4, N2O). Có hệ thống xử lý nước thải hợp với tiêu chuẩn môi trường và các quy định của pháp luật. Tái sử dụng nước đã qua xử lý cho tưới tiêu và làm mát các máy móc động cơ.
3.3. Phơi, sấy
Tác động: Sử dụng các nhiên liệu sấy (than đá, củi…) và điện để chạy máy đều phát thải khí CO2.
Biện pháp: Sử dụng nguyên, nhiên liệu hợp lý, tiết kiệm. Sử dụng các máy sấy có thể hồi lưu khí nóng (nếu điều kiện cho phép). Sử dụng các nhiên liệu tái tạo cho máy sấy cà phê. Dùng các nguyên liệu sẵn có, sản phẩm phụ từ vỏ cà phê. Sử dụng năng lượng mặt trời ở những nơi có điều kiện.
4. Phát thải ở khâu rang xay và biện pháp giảm thiểu
Tác động: Sử dụng các nhiên liệu, điện chạy máy rang, xay đều phát thải khí CO2. Rang làm biến đổi thành phần hoá học của hạt cà phê, nhiều hợp chất trong hạt bị phá huỷ và đốt cháy tạo ra khí CO2, xay làm tăng khí CO2 giải phóng thoát ra từ hạt cà phê.
Biện pháp: Sử dụng nguyên, nhiên liệu hợp lý, tiết kiệm. Sử dụng các nhiên liệu tái tạo trong quá trình rang cà phê. Tránh rang cà phê quá cháy. Dùng nguyên liệu sẵn có, sản phẩm phụ từ vỏ cà phê để làm nhiên liệu rang.
Nguyễn Minh Trường (st) – TTKN Lâm Đồng
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com