Không rõ bắt nguồn từ đâu, nhưng có lẽ mạng xã hội chính là “kẻ dẫn đường” cho những điều cũ kỹ tưởng như đã bị bụi thời gian làm phai màu.
Đi cà phê vợt có thể gọi là thói quen tập dậy sớm của người trẻ (vì người già hầu như họ không thể ngủ dậy muộn).
Cứ độ 6h30 sáng đến tầm 8h là thời điểm các hàng cà phê vợt nhộn nhịp. Giá thành của những ly cà phê này rẻ như cà phê vỉa hè (từ 15.000 – 20.000 đồng), nhưng ai cũng đổ xô mua, là vì chất lượng của nó được chứng thực bằng mắt thấy, tai nghe.
Thay vì tạt ngang đường mua những ly cà phê không rõ nguồn gốc, cà phê vợt lại được pha chế tại chỗ, cầm trên tay còn nóng hổi.
Quy cách pha chế cà phê vợt tưởng đơn giản mà cầu kỳ, nhưng lại không mất quá nhiều thời gian nếu như đã chuẩn bị trước các bước đun sôi nước, xay mịn cà phê… Những đôi tay lành nghề, pha cà phê mỗi ngày thì chẳng mất bao lâu để hoàn tất một ly cà phê vợt.
Không có nhiều hàng cà phê vợt để bạn lựa chọn, bởi những tiệm đang hiện hữu thì cũng hoạt động từ lâu, với những câu chuyện mang đậm tính gia truyền, chẳng thể thay đổi mà chỉ nên “bình chân như vại” giữa thời cuộc.
Vài năm trước, những hàng cà phê vợt như Ba Lù, Phan Đình Phùng, Chú Thanh… vẫn chỉ tiếp đãi những vị khách lân cận. Không phải tiểu thương chợ Phùng Hưng, không phải hàng xóm láng giềng… thì cũng là hội đồng hương, lão thành nhâm nhi cà phê mỗi sáng, đọc báo, tán dóc sự đời.
Dần dần, khi công nghệ thật sự ăn sâu vào đời sống giới trẻ, người ta thấy cà phê vợt có thêm nhiều lứa 9X, thậm chí 2000… ghé chơi.
Cà phê ngon, rẻ là một chuyện, lý do khiến người trẻ dần tìm tới các hàng cà phê vợt phần lớn vì hiệu ứng nostalgia từ âm nhạc, phim ảnh, tới cả thời trang, nhiếp ảnh… Những ai trót mê xu hướng này, luôn lựa chọn cho mình những nơi hoài niệm, cổ điển đi kèm theo bình yên.
Từ Cholon Downtown đến Ở đâu cũng chụp, hai kênh blog cá nhân lớn mạnh vì lượng người trẻ ủng hộ, truy cập và theo dõi… giới thiệu các tiệm cà phê vợt ẩn mình ở những con hẻm, con phố tưởng khó mà lại dễ tìm.
Hầu hết các trang này đều hoạt động phi lợi nhuận, họ là những người rất trẻ, chia sẻ và trao đổi với bạn bè những nơi thi vị, gần gũi với người lao động bình dân… cốt cũng là để gợi lại tình yêu vô cùng tận dành cho Sài Gòn, mảnh đất mà vì hiện đại hóa, có những thứ nhỏ bé bị bỏ quên.
Cà phê không màu mè khoa trương như những thức uống chú trọng màu sắc và decor, vì vậy, lựa chọn cà phê vợt vẫn là lựa chọn mang tính thiểu số, không thể chuyển sang mô hình hiện đại, nên càng không thể thu hút một cách phổ thông.
Vả lại, có những tiệm chỉ mở cửa đến trưa rồi lại đóng, thành ra thói quen đi cà phê vợt càng gói hẹp. Chỉ duy nhất tiệm cà phê vợt Phan Đình Phùng, không có biển hiệu, thuê hẳn một căn nhà nhỏ hai tầng đối diện, là đủ sức chứa và đủ thời gian chào đón các vị khách đủ thành phần, độ tuổi.
Cà phê vợt Phan Đình Phùng nổi tiếng nhất vẫn là cà phê sữa tươi, mà nếu ngồi ở đây bạn sẽ thấy không ít khách đến mua vài ba ly, thậm chí mỗi vị khách phải uống tận hai ly cà phê mới “đủ đô”.
Cuối tuần, không khí giống hệt như cà phê Nhà thờ lớn Hà Nội. Lớp trẻ ngồi nhâm nhi, bàn tán xôn xao những mẩu chuyện trên mạng… xen kẽ phía đối lập là những ông chú tỉ mẩn chơi cờ, hoặc lẳng lặng đọc báo một mình.
Cà phê vợt ở đâu cũng vậy, bạn mở lời một câu thì sẽ có người đáp lại. Những chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, tuy chẳng đọng lại gì nhưng khiến cho hình ảnh Sài Gòn nhìn từ một nơi chậm rãi, trông hiền lành.
Cái tên Cheo leo thì điệu đà hơn hẳn, và mô hình cà phê vợt ở đây cũng… tiến thêm một bậc. Không chỉ pha trộn vị cà phê như vài quán cà phê thời thượng đình đám, không chỉ ly giấy in bảng hiệu quán, mà còn là tấm biển thực đơn bằng tiếng Anh đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giới thiệu tới đông đảo thực khách một thức uống không chỉ để giải khát.
Và để thuận tiện cho những vị khách trẻ tới Cheo leo, trang thông tin riêng của tiệm trên mạng xã hội cập nhật tin tức khá chi tiết. Vì vậy mà mặt bằng chung giá một ly cà phê vợt Cheo leo cũng đắt hơn đôi chút, nhưng đổi lại khách lui tới ổn định và dễ trở thành “người quen”.
Riêng hàng cà phê vợt Ba Lù, do vị trí nằm trong khu chợ người Hoa nên không tránh khỏi sự xô bồ tất tả mỗi sáng. Cà phê vợt ở đây đậm đặc, nếu uống chưa quen có thể say men tới tận chiều.
Chỉ cách những con đường đô thị hóa vài bước chân, nhưng bước vào Ba Lù là thấy cảm giác khác hẳn. Khác với cả sự hòa dẫn thời đại như Cheo leo, Ba Lù trông già cỗi như một hàng cà phê xưa, chỉ có thứ duy nhất khác biệt là hương vị.
Vị trí nằm trong chợ, nên sẽ thật tiện nếu bữa sáng được dọn sẵn trên bàn cùng ly cà phê vợt sực nức mùi.
Đi đâu thì khác, chứ ở những hàng cà phê vợt, không có chỗ cho những chiếc smartphone hay laptop (trừ trường hợp chụp ảnh lưu niệm). Bởi bất cứ ai đến nơi đây đều có nhu cầu giao tiếp với chung quanh thay vì mải mê lướt web hoặc vùi đầu vào công việc.
Mùi vị cà phê vợt dịu nhẹ, thoang thoảng, cùng chút hoài niệm “hồi bé” không đâu tìm thấy được.
Mặc dù các cửa hàng cà phê hiện đại bậc nhất Sài Gòn chăm chỉ nâng cấp không gian, con người, pha chế… thì cà phê vợt với ưu điểm về giá thành so với giá trị, và một cõi đi về bình thản vẫn quyến luyến nhiều người ở lại tới tận bây giờ.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com