Nhà máy cà phê Sài Gòn của Vinamilk đã được chuyển nhượng cho Trung Nguyên với giá gần 40 triệu đô la Mỹ sau gần một năm đàm phán. Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê Trung Nguyên.
Trước tiên xin hỏi, vì sao Vinamilk lại bán nhà máy cho Trung Nguyên mà không phải công ty nào khác?
Thật ra Vinamilk không có ý định bán nhưng trong nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo hai bên, tôi có nói hai ý.
Một, cả Vinamilk và Trung Nguyên là hai doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu về sản xuất sản phẩm từ sữa và cà phê. Chỉ riêng việc duy trì và phát triển thị phần của sản phẩm chủ lực thì mỗi bên cũng đã rất vất vả đối phó với nhiều “ông lớn” đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Do vậy việc tập trung toàn lực phát triển “năng lực lõi” theo hướng chuyên nghiệp mới chính là vấn đề của mỗi doanh nghiệp.
Ý thứ hai, cần có sự liên minh trên nhiều mặt, từ các thương hiệu lớn của Việt Nam. Bên cạnh thông điệp riêng về sản phẩm của từng doanh nghiệp thì nên có thông điệp chung cho hàng Việt Nam, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ.
Thông điệp chung vừa gia tăng sức mạnh cho bản thân doanh nghiệp, vừa giúp giảm chi phí đáng kể. Ví dụ, đâu có gì ngăn cản cà phê Trung Nguyên và sữa Vinamilk cùng xuất hiện trong chuỗi quán cà phê Trung Nguyên và hệ thống đại lý Vinamilk?
Khởi đầu câu chuyện chuyển nhượng nhà máy là như vậy. Khi đã nhất trí về quan điểm, đi vào cụ thể cũng phải thương thảo mất cả năm về giá cả, sử dụng lao động, vấn đề công nghệ, thiết bị…
Về phía Trung Nguyên, vì sao lại mua nhà máy mà không đầu tư nhà máy mới như đã từng làm?
Nhà máy cà phê Sài Gòn có hệ thống dây chuyền công nghệ rất tối tân, theo công nghệ sâu của Đức, Ý. Trung Nguyên mua lại nhà máy này, ngoài hai ý như đã nói trên, nhà máy còn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của chính Trung Nguyên bởi các nhà máy hiện đang hoạt động đều đã hết công suất. Mua một nhà máy đang vận hành sẽ tiết kiệm được nhiều mặt so với xây dựng từ đầu. Thêm nhà máy mới sẽ giúp nâng sản lượng cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên lên gấp ba lần; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và các đơn đặt hàng lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thương vụ này có nằm trong chiến lược chung của Trung Nguyên?
Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, vậy mà không có một thương hiệu cà phê nào của Việt Nam xứng tầm thế giới. Việt Nam có hạt cà phê robusta ngon nhất thế giới nhưng lại toàn xuất thô, gây lãng phí lớn. Chúng tôi tính nếu cà phê của Việt Nam đã qua tinh chế, sản xuất ra thành phẩm theo đúng chuẩn mực quốc tế và thị hiếu tiêu dùng theo từng thị trường thì chúng ta sẽ có thêm 3-4 triệu đô la Mỹ cho 1 triệu tấn cà phê nhân. Chúng tôi đã đề ra chiến lược và thực hiện nó nhằm khai thác tối đa giá trị của nguồn tài nguyên này.
Song song đó chúng tôi còn có một nhóm chuyên viên hàng đầu thế giới đang làm việc tại Mỹ từ hơn một năm qua để chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường Mỹ. Một lộ trình về tài chính cho việc ra thị trường quốc tế cũng được các chuyên gia nước ngoài tư vấn hoạch định với chi phí đến 1,5 triệu đô la Mỹ. Trước mắt, đến năm 2012, Trung Nguyên sẽ mở ba “cửa ngõ” quan trọng để vào thị trường thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Singapore.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com