Tùy thuộc vào bệnh cụ thể mà cà phê sẽ có ích hoặc có hại. Loại đồ uống này có thể tương tác với một số loại thuốc.
Đối với người khỏe mạnh, cà phê không gây tác động tiêu cực nếu uống vừa phải và thậm chí còn mang lại một số lợi ích cho sức khỏe vì giàu chất chống oxy hóa. Thêm nữa, chất caffeine trong cà phê còn giúp tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy sự đốt cháy mỡ thừa trông cơ thể và một số tác dụng khác. (1)
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu có nên uống cà phê khi bị ốm hay không?
Cà phê giúp tăng năng lượng
Đối với nhiều người, uống một ly cà phê vào buổi sáng là thói quen không thể bỏ vì loại đồ uống này giúp tạo sự tỉnh táo và năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Trên thực tế, ngay cả cà phê khử caffeine (decaf café) cũng có tác dụng kích thích thần kinh nhẹ do vẫn chứa một lượng nhỏ caffeine và hiệu ứng giả dược. (2)
Tác dụng tăng mức năng lượng này là lý do chính mà nhiều người uống cà phê và cũng sẽ có lợi cho cơ thể khi bị ốm.
Khi bị ốm, cơ thể sẽ cảm thấy uể oải, mệt mỏi và một ly cà phê sẽ giúp khôi phục sự tỉnh táo, khỏe khoắn để thực hiện các công việc thường ngày.
Tóm tắt: Cà phê có thể giúp tăng mức năng lượng, giảm mệt mỏi khi bị ốm.
Tác hại
Cà phê có thể gây mất nước và tiêu chảy
Mặc dù giúp cơ thể khỏe khoắn hơn nhưng cà phê cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Chất caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu, có nghĩa là khiến cho cơ thể đào thải nhiều nước hơn và dẫn đến hiện tượng đi tiểu thường xuyên. Ngoài ra, ở một số người, cà phê còn có thể gây tiêu chảy. (3)
Những tác động này của cà phê có thể dẫn đến mất nước. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu thì việc tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải (khoảng 2 – 3 cốc cà phê mỗi ngày) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. (4)
Hơn nữa, khi uống cà phê thường xuyên thì tác dụng lợi tiểu của caffeine sẽ giảm dần.
Xem thêm: Caffeine có tác động thế nào đến cơ thể?
Tuy nhiên, nếu bị nôn mửa, tiêu chảy, bị cúm, cảm lạnh nghiêm trọng hoặc ngộ độc thực phẩm thì không nên uống cà phê, nhất là những người mà bình thường ít khi uống. Thay vào đó cần phải tích cực bổ sung nước cùng với chất điện giải cho cơ thể. Có thể uống nước lọc, dung dịch bù điện giải hoặc nước ép hoa quả tươi pha loãng.
Những người đã quen uống nhiều cà phê có thể tiếp tục uống. Do cơ thể đã thích nghi nên điều này sẽ không làm tăng nguy cơ mất nước.
Tóm tắt: Mặc dù caffeine có tác dụng lợi tiểu nhưng uống cà phê vừa phải sẽ không gây mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Nhưng khi bị bệnh nặng hoặc bị nôn mửa hay tiêu chảy nghiêm trọng thì không nên uống cà phê để tránh bị mất nước.
Cà phê có thể gây kích ứng vết loét dạ dày
Cà phê có tính axit nên có thể gây tổn hại đến dạ dày ở một số người, chẳng hạn như những người bị viêm loét dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa do axit dạ dày.
Theo một nghiên cứu ở 302 người bị viêm loét dạ dày, hơn 80% người tham gia cho biết tình trạng đau bụng và các triệu chứng khác trở nên nặng hơn sau khi uống cà phê. (5)
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên 8.000 người lại không tìm thấy bất kỳ tác hại nào của cà phê đến viêm loét dạ dày hoặc các vấn đề tiêu hóa khác do axit dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản. (6)
Như vậy là tác động của cà phê đến tình trạng loét dạ dày ở mỗi người là khác nhau. Nếu bạn nhận thấy rằng cà phê gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét thì nên kiêng loại đồ uống này hoặc chuyển sang cà phê lạnh (cold brew) – loại cà phê có tính axit thấp hơn.
Tóm tắt: Cà phê có thể gây kích ứng vết loét dạ dày nhưng kết quả các nghiên cứu còn chưa thống nhất. Nếu cà phê khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn thì nên tránh hoàn toàn hoặc chuyển sang cà phê lạnh.
Cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc
Tùy vào từng bệnh cụ thể mà cà phê có thể có lợi hoặc có hại nhưng loại đồ uống này có thể tương tác với một số loại thuốc đang dùng.
Đặc biệt, caffeine trong cà phê có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc kích thích như pseudoephedrine – một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Caffeine cũng có thể tương tác với một số loại thuốc kháng sinh được dùng để nhiễm trùng do vi khuẩn.
Những người uống cà phê thường xuyên có thể vẫn uống bình thường trong thời gian dùng những loại thuốc này vì cơ thể đã quen với tác dụng của caffeine nhưng khi được kê thuốc vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có được uống cà phê hay không.
Một lựa chọn khác là chuyển từ cà phê thông thường sang cà phê khử caffeine trong thời gian uống thuốc vì caffeine trong cà phê là thành phần chủ yếu gây ra tương tác thuốc. Mặc dù cà phê khử caffeine vẫn chứa một lượng nhỏ caffeine nhưng thường không đủ để tương tác với các loại thuốc.
Tóm tắt: Caffeine trong cà phê có thể tương tác với các loại thuốc kích thích như pseudoephedrine và một số thuốc kháng sinh. Có thể chuyển sang uống cà phê khử caffeine để tránh xảy ra tương tác thuốc.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù uống cà phê ở mức độ vừa phải thường vô hại và thậm chí có lợi đối với người khỏe mạnh nhưng có thể sẽ phải hạn chế hoặc tạm thời ngừng uống khi bị bệnh.
Có thể vẫn uống cà phê nếu chỉ bị cảm lạnh hoặc bệnh nhẹ nhưng nếu bị những bệnh nặng hơn, kèm theo nôn mửa hoặc tiêu chảy thì cà phê có thể khiến tình trạng mất nước càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra cũng nên hạn chế cà phê nếu loại đồ uống này gây ra hoặc làm tăng các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Cuối cùng, nên kiêng cà phê hoặc uống cà phê khử caffeine trong thời gian đang dùng các loại thuốc có thể tương tác với caffeine, chẳng hạn như pseudoephedrine hoặc một số loại thuốc kháng sinh.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com