Chỉ là bỗng dưng em thấy cô đơn Giữa phố xá thênh thang đông như hội Dòng người ấy vẫn bước qua rất vội… Một nửa cuộc đời ta để lại nơi đâu?
Đó là tâm tư của biết bao người trẻ ở cái tuổi đôi mươi, họ hòa nhập vào thế giới ồn ào ngoài kia mà vẫn cảm thấy mình đang bơ vơ, lạc lối ngay giữa dòng đời ấy. Áp lực, sợ hãi, lo lắng, nhiều người trẻ tìm cách trốn tránh hiện thực, chỉ muốn trốn tránh, chỉ muốn vùi mình trong bốn bức tường, chỉ muốn nép mình vào một nơi nào đó để không có ai tìm ra, để không phải đối mặt với ánh mắt của mọi người hay là với chính cái bóng của bản thân. Tuổi trẻ là một khối dồn nén. Nó có sức phá hoại đến nỗi, vào một thời điểm những tưởng đã quay lưng với cuộc đời, ta chợt nhìn lại và thấy vần vũ quanh mình những gương mặt, mối tình, những lần gặp gỡ, các cảm xúc chân thực và sống động như dao cứa. Liệu những con đường ta qua thời tuổi trẻ có thực sự là đường vòng? Hay chỉ đơn giản là một đường thẳng, dẫn về phía nội tâm? Cùng đọc cuốn sách Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của nhà văn Patrick Modiano, bạn sẽ thấy bản thân mình hiện hữu ở đâu đó trong chính tác phẩm này.
Tác giả cuốn sách – nhà văn Patrick Modiano
Patrick Modiano (sinh năm 1945) là một nhà văn người Pháp. Ông xuất hiện trong nền văn học Pháp lần đầu vào năm 1968 với cuốn tiểu thuyết “trình làng”: “Quảng trường Ngôi sao” (La Place De I’Etoile), cùng lúc đoạt hai giải thưởng văn học Roger Nimier và Feneon. Ông được coi như một hiện tượng của văn học Pháp đương đại. Những cuốn sách của ông tập trung vào những đề tài như: ký ức, sự quên lãng, sự nhận dạng và tội lỗi, liên hệ tới thời kỳ Nazi chiếm đóng Pháp trong chiến tranh thế giới thứ II. Năm 2014, Patrick vinh dự là nhà văn thứ 15 của Pháp nhận giải thưởng Nobel Văn học – giải thưởng danh giá cho những nhà văn có đóng góp to lớn trong giới văn chương.
Tiểu thuyết: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của cô gái trẻ Jacqueline Delanque – một cô gái thường xuyên lui tới quán cà phê Le Condé – một quán nhỏ nơi giao lộ Odéon. Tiểu thuyết mở ra trước mắt người đọc không gian ảm đạm của quán cà phê nhỏ – nơi hội tụ của những con người ở độ tuổi từ 19 đến 25, những người tới đây không hẳn để thưởng thức đồ uống mà còn như để kiếm tìm nơi để ẩn náu, để trốn chạy, vượt thoát khỏi những u ám của cuộc đời. Jacqueline ít được người ta biết đến với tên thật của mình, khách trong quán gọi cô là Louki – cái tên như đánh dấu sự thay đổi của nàng, với Patrick mà nói thì đó như một sự sinh ra lần thứ hai. Với chưa đầy 200 trang, tiểu thuyết tạm chia làm bốn phần dựa trên lời kể của bốn nhân vật: Một cậu sinh viên trường mỏ, một cựu nhân viên tình báo, Jacqueline và một nhà văn tập sự trẻ, mỗi người kể về phần đời của nhân vật nữ chính Louki hay chính là Jacqueline.
Louki qua góc nhìn của cậu sinh viên trường mỏ
Le Condé có lẽ là cái tên rất đỗi quen thuộc đối với những người trẻ, những người được gọi với cái tên chung “bohème”, những con người sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không hề đoái hoài tới ngày mai. Cậu sinh viên trường mỏ chính là một vị khách quen thuộc thường hay lui tới quán. Chàng trai trẻ tách biệt với mọi người, chỉ làm một việc là lắng nghe người khác.
Với tôi như thế là đủ. Tôi cảm thấy thoải mái khi ở cùng họ. Với tôi, quán Le Condé là một chốn trú ẩn khỏi mọi thứ gì mà tôi mường tượng là u ám của cuộc đời. Hẳn rồi sẽ có một phần con người tôi – cái phần tốt đẹp nhất – tới một ngày buộc phải để lại nơi đó.
Cũng như Louki và chàng sinh viên kia, cuộc đời các vị khách lui tới quán cà phê chẳng có gì rõ ràng, có thể gọi là hư vô. Louki có thể được gọi là một vị khách đặc biệt của quán. Nàng khác với tất cả những người còn lại, từ phong cách ăn mặc đến cách ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh. Nàng luôn chọn cho mình một góc cuối căn phòng, cái nơi chẳng ai buồn để ý tới. Dù có hòa vào cuộc vui cùng những người khác, nàng cũng không thu hút sự chú ý, con người ấy cũng chỉ là nhân vật vặt vãnh vô tính mà thôi. Như cách của một cậu sinh viên quan sát Louki nói: “nàng tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thể muốn chạy trốn điều gì đó, đào thoát khỏi một mối nguy..”. Trong mắt của chàng sinh viên, Louki thật đẹp, im lặng và đầy bí ẩn: không ai biết tên thật của nàng, chẳng rõ nguồn gốc xuất thân, cho đến địa chỉ nhà. Đơn giản với họ mà nói: “Chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi không có quá khứ để hé lộ, chúng tôi sống ở thì hiện tại”. Cuộc sống của họ cứ tiếp diễn như thế, từng ngày trôi qua trong vô định.
Louki qua tìm hiểu của vị thám tử
Caisley – cựu nhân viên tình báo được Jean-Pierre Choureau (Jean-Pierre Choureau: chồng của Louki) thuê anh tìm vợ mình. Với khả năng ghi nhớ cực tốt, ông có thể dễ dàng nhận ra bất kì ai chỉ qua một lần gặp đầu tiên cho dù chỉ là nhìn nghiêng một góc ba phần tư hoặc thậm chí là nhìn từ sau lưng. Ông dễ dàng nhận ra Louki chỉ với hai bức ảnh chụp tự động. Louki đã biến mất khỏi nhà chồng sau một cuộc cãi cọ. Chồng cô và cô hơn cách nhau chừng 15 tuổi. Cô hai mươi hai còn anh ta ở vào tuổi ba mươi sáu. Hai người từng làm ở cùng một công ty, họ quen biết nhau, gặp nhau bên ngoài văn phòng. Chồng cô chỉ biết rằng cô là sinh viên trường ngôn ngữ phương Đông, ngôn ngữ nào thì không biết, chỉ biết là các thứ tiếng châu Á. Sau hai tháng, họ cưới nhau, nhân chứng là hai đồng nghiệp cùng văn phòng. Họ cố tạo ra những mối liên hệ, họ muốn những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế trở nên vững chắc hơn. Nhưng không, mọi thứ dường như không thể tiến xa hơn. Jacqueline không chấp nhận cuộc sống ấy. Với cô, đó không phải là một CUỘC SỐNG THỰC. Sau một năm chung sống, Louki bỏ đi, để mặc chồng cô ở trong căn nhà lạnh lẽo kia. Sự việc cô lấy chồng như một điều gì đó chẳng mấy quan trọng trong cuộc đời.
Lời bộc bạch của chính Louki
Cô đơn, trống trải, lạc lối – đó là tất cả những gì có thể nói lên rõ nhất tuổi trẻ của Jacqueline. “Mười lăm tuổi, trông tôi như đã mười chín. Thậm chí là hai mươi”. Tuổi thơ cô lênh đênh phiêu bạt trên khắp các nẻo đường, tuyến phố, sống không cha và cũng thiếu đi tình thương của mẹ. 15 tuổi, cô thường xuyên trốn mẹ đi chơi đêm. Louki cho mình cái quyền tự quyết – quyền quyết định cuộc đời mình. Lang thang ở tuổi vị thành niên, đó là điều được viết trong hồ sơ của những người trẻ như cô. Hầu như tối nào cũng thế, Louki đều sốt ruột chờ cho đến khi mẹ đi khỏi để ra ngoài. Có lúc, cô còn chẳng thể chắc chắn rằng, mình có trở về nhà hay không nữa. Louki đi tìm sự gặp gỡ, cô trông đợi vào nó, bởi với cô, nó làm dịu bớt nỗi cô đơn, xua tan đi cuộc sống mà cô gọi là tẻ nhạt, nhàm chán. Tìm nó ở đâu? Trên hè phố, quảng trường, quán bar, mọi nơi mà chân cô có thể bước tới. Một tuổi thơ với nhiều lỗ hổng, một kí ức quá lộn xộn, những chi tiết mà Louki nhớ được, với cô thì chẳng có nghĩa lý gì. Sợ sự náo nhiệt, ồn ào, thích sự yên lặng và bóng tối, tuổi trẻ của Jacqueline cứ dần dần trôi đi như thế. Sự cô đơn, trống trải được khắc họa rõ đến mức, Louki cùng cô bạn của mình dùng cả ma túy theo cái cách mà cô gọi là “ăn tuyết”. Trước kia, cô tự khuyên mình phải mạnh mẽ, phải cứng rắn hơn nữa, phải chiến đấu chống lại chính mình: “Bước đi hoặc chết”. Nhưng giờ đây, Louki cho thêm mình một quyền hạn nữa – quyền buông bỏ. Trốn chạy cuộc sống, cô thấy mình chỉ thực sự trở về con người xưa khi chạy trốn. Trạng thái tinh thần của cô liệu có từ nào có thể diễn tả được? Cơn say? Xuất thần? Rạng rỡ? Sao nói hết chỉ bằng một từ. Trốn chạy như thế nào đây? Louki chọn cái chết.
Rồi tôi sẽ sớm tới rìa vách đá và gieo mình vào khoảng không. Hạnh phúc sao khi được bồng bềnh trong không trung và biết được cảm giác phi trọng lực mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay. […] Và rồi, cuộc sống đã tiếp diễn, với đủ thăng rồi trầm. Một ngày buồn nản, trên bìa quyển sách mà Guy de Vere cho tôi mượn ghi dòng nhan đề: Louise của Hư Vô, tôi đã dùng bút bi sửa tên thành tên tôi: Jacqueline của Hư Vô.
Louki trong ký ức của bạn trai cô – Roland
Cuộc gặp gỡ của Louki và Roland có thể xem như cuộc gặp gỡ giữa hai con người không có nổi một chỗ neo đậu trong đời, hai con người sống cô độc trên thế giới. Các nhân vật đều có tên, nhưng liệu đó có phải người thật, tên thật? Càng đọc ta càng chìm vào cái thế giới hư vô, lạc lối của lớp người trẻ kia. Với Louki, Roland thật sự rất quan trọng. Anh sẵn sàng lắng nghe mọi lời chia sẻ của cô, anh cảm thấy mình cũng là một phần trong đó. Cũng giống như Louki, Roland có một tuổi trẻ đầy u ám như thế, sống như một người cô độc, vô danh. Anh có những lý thuyết về “những vùng trung tính”, có triết lý mà anh gọi đó là Quy hồi vĩnh cửu. Khi mọi chuyện về Louki đã trôi về dĩ vãng nhưng Roland không thể nào quên được, cứ như nó chỉ vừa xảy ra mới đây thôi. Anh quay về những con phố quen thuộc mà anh và Louki đã từng đi qua, quay về thời gian gặp Guy de Vere ở quảng trường Lowendal, quay về quán cà phê Le Condé,…
Không nhiều chi tiết, không theo bất kì một trật tự tuyến tính nào, cả thời gian và không gian, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối dựng lên những nhân vật, những vùng đất của sự trung tính. Patrick Modiano đưa người đọc lang thang khắp nẻo Paris, nơi mà bao đại lộ, những ngã tư, phố xá, quảng trường, vùng ven tồn tại như những chi tiết, những phần không thể tách rời của tiểu thuyết. Những bến tàu điện ngầm Estoile, sông Seine, lối đi Thiên Nga, Quảng trường République,… nơi các nhân vật đi qua ấy được gọi là “vùng trung tính”. Louki đã phiêu bạt qua mọi ngóc ngách tối tăm nhất mà cô có thể đi tới. Cô thấy bầu trời “giống túp lều rách của một rạp xiếc nghèo”, chán chường, lạc lối trong chính thực tại u buồn này, Louki tìm đến cái chết. Sự buông bỏ, mặc kệ mọi thứ ấy như nói lên cuộc đời của một tuổi trẻ bất thường.
Đọc Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, người đọc có cảm giác tác giả đi tìm thời gian đã mất bằng những mẩu ký ức rời rạc. Sâu xa hơn, hành trình về quá khứ đó chính là một cuộc khám phá nội tâm, giải mã những bí ẩn trong con người. Sự cô đơn không được tác giả gọi tên, định vị, mà người đọc vẫn cảm nhận được mảng xám trong những tâm hồn nhân vật: “Tôi cảm thấy nỗi hoang mang vẫn thường xuyên xâm chiếm con người tôi vào ban đêm và còn mạnh hơn cả nỗi sợ – cái cảm giác kể từ nay mình chỉ dựa được vào chính mình, không biết trông đợi vào đâu nữa”. Và để kết thúc cho những lơ lửng, những xám xịt, những vùng trung tính của cuộc đời, nhân vật chọn một cái chết, cũng lơ lửng, vô định.
Cô vắt một chân qua lan can. Cô kia cố giữ cô lại bằng cách níu lấy vạt áo ngủ dài của cô. Nhưng đã quá muộn. Cô có đủ thời gian thốt ra vài từ, như thể cô nói với chính mình để tăng lòng can đảm: “Xong rồi. Để mặc đi.”
Lời kết:
Như một tiếng thở dài, như một bài thơ trầm buồn, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối khiến độc giả tìm thấy một phần tuổi trẻ mình ở trong đó, thấy được sự đồng cảm với những nhân vật trong truyện, trong những miêu tả tâm lý tinh tế, sâu sắc của Patrick Modiano. Cuốn sách phần nào giúp ta nhận ra rằng: Những tuổi trẻ bất thường ấy không phải là các cá nhân dị biệt, nó là một phần trong mỗi con người chúng ta. Chỉ với hơn 100 trang sách nhưng khi gấp lại, Louki và những nhân vật xuyên suốt câu chuyện đã khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Tôi hiểu rằng, tuổi trẻ là thế. Sẽ có những lúc, trong quãng phần tư cuộc đời ấy bạn cảm thấy chông chênh, lạc lối, vô định, khao khát kiếm tìm cuộc sống mà ta cho là lý tưởng nhưng đôi khi lại lầm đường, lạc lối. Có thể, hiện giờ bạn chưa cảm nhận được, chưa trải qua sự bất an đó, nhưng tôi và bạn, ai trong chúng ta, dù ít hay nhiều ắt hẳn sẽ phải trải qua giai đoạn khủng hoảng ở tuổi đôi mươi. Nghe thật đáng sợ, nhưng còn đáng sợ hơn nếu chúng ta gục ngã hoàn toàn khi đối mặt với những biến cố ấy. Sợ hãi, trốn tránh chẳng thể giúp bạn thoát khỏi khủng hoảng. Vậy nên, hãy dũng cảm đối mặt với nó.
Nếu như có lúc bạn cảm thấy lạc lõng, cô đơn, cần ai đó tâm sự thì tôi có một lời khuyên chân thành đến bạn rằng: Hãy kiếm một cuốn sách để bầu bạn. Ai đó đã nói rằng: “Hãy đọc để biết rằng, bạn không cô đơn giữa cuộc đời gian trùng này. Hãy đọc để nhớ rằng, người trẻ chúng ta, nhỏ bé nhưng sống không tầm thường”. Cuốn sách Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối giúp tôi bình tâm hơn để nhìn nhận lại chính mình, cho tôi những khoảng lặng để sống chậm lại, để nhận rằng: Cuộc đời này là của bạn, vì thế đừng cầm bản đồ của người khác để dò đường đi của mình. Sống là chính mình, sống với những cảm xúc thật của mình mới là cuộc sống ý nghĩa nhất. Và mỗi người trẻ chúng ta hãy luôn nhớ rằng: “Ở đâu đó có người đang mơ về nụ cười của bạn, ở đâu đó có người cảm thấy sự có mặt của bạn là đáng giá, vì vậy khi bạn đang cô đơn, buồn rầu và ủ rũ, hãy nhớ rằng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn”.
Review chi tiết bởi Kim Chi – Bookademy
Hình ảnh: Kim Chi
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy – Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com