Nga hiện đang là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của Việt Nam, đứng thứ 4 về thị trường xuất khẩu sau EU, Mỹ và Nhật Bản với tỷ trọng chiếm hơn 4% tổng khối lượng xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu 15.406 tấn cà phê sang thị trường Nga, trị giá thu về 37,1 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga cũng tăng mạnh 18,4% về lượng và tăng 25,3% về trị giá so với năm 2020, đạt 81.818 tấn, trị giá 173,2 triệu USD.
Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê của Việt nam sang thị trường Nga hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Thông tin với Reuters, một nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết giá cà phê đã sụt giảm do xung đột giữa Nga – Ukraine.
Đồng thời, người này cũng băn khoăn không rõ cà phê vốn sẵn sàng vận chuyển của mình có thể được giao hay không và làm thế nào để các khách hàng lớn ở Nga có thể thanh toán trong bối cảnh các lệnh trừng phạt hiện tại ở nước này được đưa ra.
Trong khi đó, một nhà xuất khẩu khác cho biết “một số lô hàng của tôi vẫn đang bị kẹt ở cảng chưa thể giao hàng, kèm theo đó giá cước vận chuyển vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng”.
Nga chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 (số liệu từ Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Giá cà phê Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm trong tuần kết thúc vào ngày 3/3, sau khi giá cà phê tại London lao dốc trong bối cảnh chuỗi cung ứng và phương thức thanh toán bị gián đoạn, cùng với giá dầu tăng vọt do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, giá cà phê hợp đồng tháng 5 trên sàn ICE tại London giảm 6,8%, tương đương 149 USD vào cuối tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 với 2.030 USD/tấn.
Tại Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam, giá cà phê đã giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg từ mức 40.600 – 41.800 đồng/kg trước đó.
Cũng có chung lo ngại như Việt Nam, các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil hiện đã thêm Nga vào danh sách các điểm đến rủi ro và buộc phải thanh toán trước khi giao hàng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên hệ thống tài chính của nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 6 trên thế giới do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo Reuters, ba nhà kinh doanh cà phê của một trung tâm thương mại hàng hóa lớn có trụ sở tại châu Âu cho biết họ sẽ không nhận bất kỳ đơn đặt hàng cung cấp mới nào với các nhà rang xay của Nga, các hoạt động kinh doanh trong bất kỳ trường hợp nào cũng bị chậm lại do đồng Ruble của Nga lao dốc.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu Brazil, những thay đổi đối với SWIFT chắc chắn có thể ảnh hưởng đến các giao dịch, nhưng tình hình vẫn chưa rõ ràng.
Ảnh: moit.gov.vn
Trang Sucafina đưa tin, tiêu thụ cà phê của Nga ước tính vào khoảng 6 triệu bao mỗi năm, trong khi Ukraine tiêu thụ 1,5 triệu bao. Trong số này, 60 – 70% là cà phê robusta chủ yếu đến từ Việt Nam hoặc cà phê hòa tan từ Đức và Ba Lan.
Đối với Ukraine, tiêu thụ cà phê của nước này sẽ giảm theo chiều dài của cuộc chiến quân sự do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Còn với Nga, mức tiêu thụ giảm phần lớn là do các lệnh trừng phạt. Một lệnh cấm đối với xuất khẩu cà phê từ EU sang Nga sẽ gây ra tác động lớn, trong khi các biện pháp trừng phạt hiện tại có thể sẽ làm suy giảm nhu cầu do thu nhập của người tiêu dùng Nga sẽ thấp hơn.
Tuy nhiên, do sức tiêu thụ giảm đối với robusta nên tác động tiêu cực có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường robusta kỳ hạn nhiều hơn so với arabica kỳ hạn, Sucafina nhận định.
Còn theo số liệu của ITC, nhu cầu tiêu thụ cà phê của Nga liên tục tăng trong những năm gần đây, năm 2021 nước này đã nhập khẩu kỷ lục 243.295 tấn cà phê, tăng 5,4% so với năm 2020 và tăng đến 28% so với 5 năm trước.
Đáng chú ý, Việt Nam luôn dẫn đầu về nguồn cung cà phê cho thị trường Nga, chiếm 34% tổng khối lượng cà phê nhập khẩu vào Nga trong năm 2021 với 82.699 tấn.
Đứng thứ hai là Brazil với khối lượng đạt 71.280 tấn, tăng 17,6% so với năm 2020 và chiếm 29% tỷ trọng. Trong khoảng 3 năm trở lại đây xuất khẩu cà phê Brazil vào Nga tăng rất mạnh và nước này đang cạnh tranh với Việt Nam cho vị trí dẫn đầu về xuất khẩu cà phê vào Nga.
Như vậy, Việt Nam và Brazil đang chiếm hơn 60% tổng nguồn cung cà phê cho thị trường Nga. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác như: Indonesia, Italia, Colombia, Đức…
Khối lượng cà phê nhập khẩu của Nga trong giai đoạn năm 2017 – 2021, ĐVT: tấn. (Số liệu từ ITC. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com