Giá cà phê tổng hợp toàn cầu được theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng nhẹ 0,3% lên mức trung bình 157,7 US cent/pound trong tháng 12/2022. Tương ứng với mức giá biến động nhẹ giá Cà phê nhân xanh trung bình từ 152 – 162,3 US cent/pound.
Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều tăng nhẹ trong tháng cuối cùng của năm 2022. Trong đó, cà phê arabica Colombia, arabica Brazil và robusta tăng lần lượt là 0,4%, 1,5% và 1,3% so với tháng trước, đạt 224,1 US cent/pound, 169 US cent/pound và 93,8 US cent/pound.
Riêng nhóm cà phê arabica khác giảm 1,7% xuống 210,2 US cent/pound.
Chênh lệch giá giữa hợp đồng kỳ hạn trên sàn New York và London cũng tăng nhẹ 0,2% trong tháng vừa qua, lên mức 82,3 US cent/pound so với 82,13 US cent/pound của tháng 11.
Vào tháng trước, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã tăng 46,6% và đạt 0,87 triệu bao (loại 60 kg). Trong khi tồn kho cà phê robusta được chứng nhận giảm 25,5% xuống còn 1,08 triệu bao.
Diễn biến giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO
Nguồn: ICO
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,2 triệu bao trong tháng 11/2022, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 và tháng 11/2022), thương mại cà phê toàn cầu đạt 19,6 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Cà phê nhân xanh chiếm khoảng 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu với khối lượng tăng 10,8% lên 9,2 triệu bao trong tháng 11. Sự tăng trưởng tích cực này được thúc đẩy bởi khối lượng bán ra mạnh mẽ của nhóm cà phê arabica Brazil và robusta, đã bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm arabica Colombia và arabica khác.
Tính chung hai tháng đầu tiên của niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 17,6 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil tiếp tục sự phục hồi trong tháng 11 với khối lượng tăng vọt 34,5% lên 3,7 triệu bao. Hai tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu nhóm arabica Brazil đạt 7,1 triệu bao, tăng 15,6% so với 6,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Đà tăng này chủ yếu đến từ Brazil, nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới đã ghi nhận khối lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu tăng 32% trong tháng 11 sau khi tăng 1,9% trong tháng 10.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023
(tháng 10 – tháng 11/2022)
Nguồn: ICO
Trái ngược với mức giảm 5,5% trong tháng 10, xuất khẩu robusta toàn cầu đã tăng 12,9% trong tháng 11 lên gần 3,6 triệu bao. Tổng cộng hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 các lô hàng robusta xuất khẩu đã tăng 4% lên 6,4 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác giảm 15,1% trong tháng 11 xuống còn 1,1 triệu bao . Với sự sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, xuất khẩu nhóm cà phê này trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã giảm 11% so với niên vụ trước, đạt 2,4 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia cũng giảm 22,8% trong tháng 11, xuống còn gần 0,9 triệu bao. Colombia – nước sản xuất chính của nhóm này ghi nhận khối lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu giảm 26,7% trong tháng 11.
Như vậy, xuất khẩu của cà phê arabica Colombia trong hai tháng đầu niên vụ 2022 – 2023 đã giảm 15,2% so với cùng kỳ xuống 1,8 triệu bao.
ICO cho biết, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% trong tháng 11 lên gần 5 triệu bao. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn trong xuất khẩu giữa các quốc gia trong khu vực với Brazil tăng 25,4% trong khi Peru giảm 41,5% và Colombia giảm 24,2%.
Hoạt động vận chuyển cải thiện là lý do chính đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Brazil. Còn với Peru và Colombia, sự suy giảm chủ yếu là do điều kiện sản xuất không thuận lợi.
Mưa lớn kéo dài do hiện tượng La Niña đã khiến sản lượng cà phê tháng 11 của Colombia giảm 6%, đây là tháng tăng trưởng âm thứ ba liên tiếp của nước này, kéo theo đó là sự sụt giảm trong xuất khẩu.
Tương tự là tại Peru, thời tiết thất thường dẫn đến mưa kéo dài, ngắt quãng ảnh hưởng đến sự phát triển đều đặn của hoa và trái cà phê, dẫn đến cây cà phê ra hoa đồng loạt và kéo dài thời vụ thu hoạch.
Ngoài ra, mưa cũng cản trở quá trình phơi sấy, ảnh hưởng xấu đến chất lượng hạt cà phê. Tất cả những yếu tố này đã tác động đến nguồn cung và góp phần khiến xuất khẩu cà phê của Peru trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 với chỉ 244.325 bao được bán ra.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng mạnh 19% lên 3,8 triệu bao trong tháng 11 và tăng 3,6% lên 6,6 triệu bao trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Mức tăng trưởng mạnh này chủ yếu đến từ Việt Nam (tăng 19,8%) và Indonesia (tăng 48,7%), hai nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất và lớn thứ hai của khu vực châu Á và châu Đại Dương lần lượt xuất khẩu 2,2 triệu bao và 0,9 triệu bao.
Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lớn thứ ba của khu vực là Ấn Độ đã chứng kiến xuất khẩu giảm 0,8% trong tháng 11 xuống gần 0,6 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi cũng tăng 6,8% lên gần 1,1 triệu bao trong tháng 11. Tính chung hai tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu của khu vực tăng nhẹ lên 2,16 triệu bao so với 2,15 triệu bao của niên vụ trước.
Vào tháng 11, xuất khẩu cà phê của Uganda giảm tháng thứ 11 liên tiếp, với mức giảm 14,8% xuống còn hơn 0,4 triệu bao. Tổng xuất khẩu của Uganda trong 11 tháng đạt 5,2 triệu bao, giảm 16,4% (tương đương hơn 1 triệu bao) so với cùng kỳ năm 2021. Hạn hán ở các vùng trồng cà phê dẫn đến mùa thu hoạch chính thấp hơn và ngắn hơn ở miền Trung và miền Đông của Uganda.
Bất chấp sụt giảm mạnh của Uganda, xuất khẩu cà phê của châu Phi vẫn tăng trưởng khá tích cực trong tháng 11 nhờ được thúc đẩy bởi các nước khác như Bờ Biển Ngà (tăng 111,1%) và Ethiopia (tăng 29,2%), Kenya (tăng 16,6%) và Rwanda (tăng 63,6%).
Trong tháng 11 chỉ có khu vực Trung Mỹ và Mexico ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 7,1% xuống 0,4 triệu bao. Tổng cộng hai tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, xuất khẩu của khu vực đã giảm 13,3% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 0,9 triệu bao.
Sự suy giảm của khu vực trong tháng 11 đến từ Honduras khi xuất khẩu của nước này giảm 50% do ảnh hưởng của bệnh gỉ lá trên cây cà phê, khiến nguồn cung thu hẹp.
Xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021 xuống còn gần 1 triệu bao trong tháng 11/2022.
Lũy kế hai tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đạt 1,8 triệu bao, giảm 12,9% so với 2,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm nhẹ từ 9,1% xuống còn 9%.
Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với gần 0,3 triệu bao trong tháng 11, tiếp theo là Ấn Độ với 0,2 triệu bao và Indonesia với 0,15 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 7,5% trong tháng 11 xuống 68.865 bao. Tổng cộng hai tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê rang xay toàn cầu đạt 130.953 bao, giảm so với 149.108 bao của cùng kỳ năm trước.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com