7h tối ngày 22/5 ở lầu 1 Vọng Nguyệt cà phê quán (đường D2, Q.Bình Thạnh, TPHCM), đông kín khách. Khách cũng uống cà phê như ở mọi quán khác. Chỉ có điều khác lạ khiến chúng tôi cứ ngỡ mình đang uống cà phê không phải ở Sài Gòn bởi khách toàn í ới bằng tiếng Anh, dù 100% là khách Việt: Chúng tôi đang lọt vào “không gian cà phê tiếng Anh” được dẫn dắt bởi Câu lạ bộ Drink & Talk.
Đi uống cà phê để học tíếng Anh
Uống cà phê và trò chuyện, dĩ nhiên là “talk” bằng tiếng Anh rồi, khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Một người đến gần chúng tôi, giới thiệu và làm quen.
Trần Nhã Trang – tên cô gái-là speaker thuộc câu lạc bộ Drink & Talk, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt từng nhóm thảo luận, chuyện trò về những chủ đề khác nhau. Trang chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu trong môi trường hoàn toàn vắng bóng tiếng mẹ đẻ. Trong đó tâm lý mắc cỡ, sợ nói không đúng, nói sai ngữ pháp, sợ bị cười… là rào cản mà những người lần đầu đến cà phê tiếng Anh cần vượt qua.
Dần dà, cuộc trò chuyện trở nên rôm rả. Dĩ nhiên là không phải ai cũng lưu loát khi dùng Anh ngữ, nhưng tinh thần “mạnh dạn mà nói, nói ra mới biết sai, biết sai thì mới nói trúng” khiến khách cà phê không còn ngại ” buôn” chuyện tiếng Anh. “Các bạn đến tham gia CLB thì nhiều lắm, đủ mọi lứa tuổi và ngành nghề. Ban đầu thì bạn nào mới đến cũng ngại và không chịu nói chuyện, nhưng sau vài ba lần các bạn nói chuyện không còn sợ sai và dạn hơn hẳn…” – Trang cho biết.
“Theo mình, việc kết hợp cafe với tiếng Anh là một kết hợp rất hiệu quả và thú vị. Thông thường, các bạn đến với các club ngoại ngữ đều mang theo quan niệm đến là để học rất chi serious và tiếng Anh vì thế không còn đơn thuần là ngôn ngữ nữa. Nhưng đến với cafe tiếng Anh, bạn sẽ thấy tiếng Anh không hề khô khan như những gì bạn đã bắt gặp trong trường lớp. Bạn có thể cảm nhận tiếng Anh như nó vốn dĩ là một ngôn ngữ, dùng để giao tiếp, chia sẻ và thậm chí là trêu nhau nữa” – Speaker Trần Nhã Trang nói.
“Từ thứ Hai đến thứ Sáu là trò chuyện tự do, còn thứ Bảy và Chủ nhật sẽ có chuyên đề thảo luận do các speaker thay phiên nhau thực hiện. CLB cũng mời mọi người tham gia thực hiện dẫn dắt buổi thảo luận với khuyến khích là… thức uống miễn phí”- speaker Trang cho biết thêm. Trang còn nói lí do trở thành speaker, ban đầu đơn giản là vì môi trường luyện tập tiếng Anh. “Nhưng bây giờ, mình đến với Drink & Talk không chỉ là vì tiếng Anh mà còn vì không biết tự lúc nào nó đã như là người bạn rất thân thiết với mình”.
Chủ quán Vọng Nguyệt, người thúc đẩy sự phát triển của không gian Drink & Talk- ông Hoàng Thi chia sẻ: Mô hình cà phê tiếng Anh là tâm huyết của ông và những người thân cận với mong muốn giúp người yêu tiếng Anh nói thạo ngôn ngữ này hơn. “Được sự ủng hộ hết lòng của bà xã tôi vốn là giảng viên tiếng Anh và thầy Đẳng Nhiếp – Tiến sĩ Ngôn ngữ học, chúng tôi cùng duy trì và phát triển CLB Drink & Talk bên trong cà phê Vọng Nguyệt, tạo ra một không gian hết sức thuận lợi để những ai yêu thích tiếng Anh có dịp rèn luyện và phát triển kỹ năng đàm thoại”.
Thực tế, hơn 2 năm qua, rất nhiều cư dân Sài Gòn truyền tai nhau “đi Drink & Talk cà phê” – tên nhiều người quen gọi – để luyện tiếng Anh.
Lưu loát nhờ… quán cà phê
Kiên và Long là hai anh em ruột. Kiên học lớp 8, Long học lớp 6. Hai anh em cùng học thêm tiếng Anh ở trường Việt- Mỹ, nơi có môi trường đào tạo có tiếng về Anh ngữ ở Sài Gòn. Tuy Kiên khá dạn dĩ và kỹ năng đàm thoại tốt, song Long lại không được như anh mình.
Bố của Kiên và Long bèn đưa hai con đến tham gia sinh hoạt. Tại Drink & Talk ở cà phê Vọng Nguyệt, không gian đậm đặc Anh ngữ khiến Long hào hứng, còn Kiên thì e dè. Speaker-người hướng dẫn – tại đây đã giúp Long vượt qua sự ngỡ ngàng bằng trò chơi giữa hai anh em: đố nhau mọi thứ, dĩ nhiên không dùng tiếng Việt, ai thua thì bị búng lỗ tai.
Thời gian đầu, Long thua miết. Dần dà, Long dạn hẳn và không để thua anh nữa, lại trò chuyện với nhiều người xung quanh khiến kỹ năng đàm thoại của Long tiến vượt bậc trong 4 tháng. Một buổi chiều, chủ quán Hoàng Thi nhận được điện thoại của bạn: “Cháu Long đứng thứ 2 trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh tại trường Việt- Mỹ khiến cả lớp học và gia đình đều bất ngờ và vui mừng”. Lẽ dĩ nhiên, ông chủ quán Hoàng Thi sướng trong lòng khỏi phải bàn cãi.
Nguyễn Quốc Bảo là sinh viên năm nhất, theo ngành Xã hội học thuộc Trường đại học Tôn Đức Thắng. Đam mê nhạc Rap nên từ những năm học phổ thông Bảo đã có vốn tiếng Anh khá, lại có thể sáng tác những khúc nhạc Rap để bạn bè biểu diễn. Lên đại học, đã có người “đặt hàng” sinh viên Bảo những khúc Rap với “chi phí” hẳn hoi.
Việc học và đam mê khiến tiếng Anh gắn liền với chàng sinh viên Quốc Bảo. Tuy “dùi mài” với thứ ngôn ngữ mang tính quốc tế này kỹ lưỡng, song môi trường đàm thoại lại khá thiếu thốn. Vậy là Bảo cùng nhóm bạn của mình tìm đến Sozo café trên đường Bùi Viện-Q.1, TPHCM. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ duy nhất tại quán cà phê này hằng đêm. Riêng các tối thứ Ba- Năm đặc biệt dành cho sinh viên (phải có thẻ sinh viên mới được tham dự) với những chủ đề liên quan thiết thực đến việc học.
“Em cùng nhóm bạn của mình rất thích đến quán cà phê này. Bọn em trao đổi mọi thứ theo sinh hoạt của quán và những vấn đề của riêng mình bằng tiếng Anh tất. Thế nên dạn nói hẳn. Không có môi trường nào dễ giao tiếp Anh ngữ như ở cà phê này đâu anh ạ”-Bảo chia sẻ. Chàng sinh viên Xã hội học cũng cho biết thêm, bố mẹ em cực ủng hộ con trai đến quán cà phê tiếng Anh để trau dồi, phát triển kỹ năng ngoại ngữ.
Dạo một vòng quanh cà phê tiếng Anh ở Sài Gòn, Drink English ở Nguyễn Chí Thanh, Master’s Cup Coffee House ở Phú Mỹ Hưng, MM café ở đường 3/2… mẫu số chung mà chúng tôi nhận thấy là khoảng thời gian sinh hoạt tiếng Anh diễn ra vào buổi tối, khoảng 7-9h mỗi ngày, trong tuần có 1-2 ngày dành cho sinh hoạt chuyên đề hoặc thảo luận, hiếm có quán cà phê nào sinh hoạt tiếng Anh vào ban ngày. Riêng khách đến cà phê tiếng Anh, khi nghe nói đến không gian Anh ngữ độc đáo này, chúng tôi tự nhủ chắc chỉ gặp sinh viên-học sinh tại đây. Thật bất ngờ, không gian cà phê tiếng Anh cùng những sinh hoạt thú vị của nó cuốn hút tất cả những ai “mê” tiếng Anh, không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, từ giáo viên, sinh viên-học sinh đến công chức, nhân viên văn phòng…
Chơi công bằng
Trong chuyện làm ăn ở thời buổi này, người ta thường đề cập nguyên tắc win-win mà tiếng ta diễn nghĩa là “đôi bên cùng có lợi”. Nguyên tắc ứng xử này yêu cầu hai bên phải “fair” mà ta diễn nghĩa là chơi công bằng, chơi đẹp. Ở “thánh địa làm ăn” Sài Gòn, nơi cũng được xem là “thiên đường cà phê quán”, win-win đã hiện diện trong mô hình cà phê tiếng Anh: cả chủ lẫn khách cùng thắng.
Tuy là “thiên đường cà phê” nhưng mô hình cà phê tiếng Anh hiện cũng không phải là nhiều ở Sài Gòn. Chỉ tầm mươi đến mười lăm quán. Đầu tư “bài bản” có thể kể đến Vọng Nguyệt ở Bình Thạnh với CLB Drink & Talk, Sozo ở Bùi Viện, Master’s Cup Coffee House… Đa số những quán cà phê này chưa bao giờ thực hiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, song khách cứ truyền miệng nhau hoặc “truyền mạng”-lối rỉ tai trong thời đại internet-khiến khách cứ đông dần.
Với giá cả vào tầm 20.000đ-30.000đ cho một loại thức uống, “không gian đàm thoại” tối ưu tại những quán cà phê tiếng Anh gần như rộng cửa chào đón mọi đối tượng thích Anh ngữ. Có một lượng khách ổn định trong suốt tuần và khuynh hướng ngày càng đông, thêm vào đó, không gian tiếng Anh với sắc thái riêng chẳng cần tốn thêm chi phí, có thể xem là phần thắng về phía chủ quán cà phê. Trong khi đó, khách đến cà phê tiếng Anh, được môi trường cực kỳ thuận lợi nâng cao kỹ năng giao tiếp, đàm thoại… với chi phí, xét ở góc độ giáo dục, có thể nói là rất rẻ, mà môi trường giáo dục Việt chưa thể xây dựng phục vụ cộng đồng trong thời điểm hiện tại.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com