Năng suất cà phê nhân cao của 5 tỉnh Tây Nguyên cao hơn bình quân 15 tỉnh còn lại từ 20 đến 25%. Với sản lượng xuất khẩu cà phê hiện nay của nước ta hơn 1,77 triệu tấn, đã mang lại kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD (cao hơn kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước khoảng 15 – 20%).
Lịch sử cây cà phê ở Việt Nam
Theo tài liệu, năm 1857, một số người Pháp mang cà phê chè (Arabica) vào Việt Nam trồng thử ở Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, rồi sau đó cũng trồng thử ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Nhìn chung, cà phê chè vẫn mọc được trên các vùng đất đã thử nghiệm, nhưng cho năng suất thấp, một phần do quảng canh, mặt khác do sâu đục thân và bệnh rỉ sắt phá hại nặng nên không thể phát triển rộng rãi được.
Năm 1908, người Pháp tiếp tục nhập thêm 2 giống cà phê Robusta và Excelsa (cà phê mít) vào trồng. Từ đó ở Việt Nam tồn tại cả 3 giống cà phê: Cà phê chè (Coffea Arabica), cà phê vối (Coffea Canephora) và cà phê mít (Coffea Excelsa). Cà phê được cho là thức uống cao cấp, cây “hái ra tiền”, nhưng người dân thời ấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nên coi đây là thức uống xa xỉ. Lúc này người Pháp lập ra nhiều đồn điền, bắt phu đi làm cực khổ, nhưng sản phẩm cà phê thu được cũng chỉ dành cho người Pháp. Năm 1930, cả nước cũng chỉ trồng được 5.900ha cà phê, trong đó có 4.700ha cà phê Arabica, 900ha cà phê Excelsa và 300ha cà phê Robusta.
Cơ hội xác định vị thế của cây cà phê ở Việt Nam
Đến năm 1986, cả nước chỉ trồng được 50.000ha cà phê các loại, chủ yếu tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên, cho sản lượng 18.400 tấn, tức bình quân cho năng suất 380kg cà phê nhân/ha. Số cà phê này cũng chỉ xuất bán cho các nước theo hợp đồng đã ký, phần tiêu thụ nội địa rất ít. Càng ngày, các hoạt động nghiên cứu khoa học về cà phê được đầu tư tốt hơn nên cũng xác định được các địa danh và kỹ thuật thích hợp cho từng loại cà phê phát triển.
Sau giải phóng, người trồng cà phê được cung cấp giống tốt, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc phù hợp, lại có đủ phân bón và kỹ thuật canh tác ngày càng cải tiến, sản phẩm làm ra đã có nơi tiêu thụ đáng tin cậy làm cho diện tích, năng suất, sản lượng cà phê của Tây Nguyên và cả nước tăng trưởng rất nhanh.
Năm 1986, cả nước có 50.000ha cà phê với năng suất chỉ đạt 380kg/ha, đến năm 1994, diện tích cà phê đã là 150.000ha, đạt năng suất 1 tấn/ha (tăng 2,63 lần hay 263%). Sau 20 năm, năm 2014, diện tích cà phê Việt Nam tăng lên 574.240ha, đạt năng suất 2.250 kg/ha (tăng 11,5 lần về diện tích và 6 lần về năng suất so với năm 1986). Với năng suất này, cà phê Việt Nam được xếp hạng nhất trong số 50 nước có trồng cà phê trên thế giới, hơn cả Brazil là nước có điều kiện kinh tế kỹ thuật tốt hơn, trồng cà phê lâu đời hơn và có diện tích cà phê cao gấp 3,7 lần so với Việt Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, diện tích cà phê của cả nước lên đến 710.590ha (riêng khu vực Tây Nguyên đã có 639.000ha, chiếm 89,90% diện tích cà phê cả nước), cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê (xếp hạng thứ 2 sau Brazil) và đạt năng suất bình quân 2.493 kg/ha (vẫn đạt thứ nhất trên thế giới), tổng kim ngạch mang về cho đất nước là 4 tỷ USD.
Đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Tôn vinh người trồng cà phê ở Tây Nguyên là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo lý ấy đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN-PTNT của tỉnh tìm phương cách để biến thành hiện thực. Từ năm 2005, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (thương hiệu phân bón Đầu Trâu) được vinh dự trở thành nhà tài trợ chính để giúp tỉnh thực hiện ý tưởng đó. Kể từ năm 2005, cứ 2 năm, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Festival Cafe Buon Ma Thuot) được tổ chức 1 lần, và Festival Cafe năm nay là lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 10 – 14/3/2023 tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tại Festival, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền không chỉ tài trợ về kinh phí cho các hoạt động tại Festival Cafe như giúp các đối tác trong và ngoài nước có điều kiện thảo luận, ký kết các hợp đồng mua bán cà phê, mà còn tham gia tổ chức học thuật, tài trợ duy nhất và đồng tổ chức Hội thi Nông dân đua tài cho nông dân trồng cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn trong cả nước cùng tham gia.
Bên cạnh đó, với những năm bình yên, Bình Điền còn tổ chức cho nông dân “xuất ngoại” tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm của nông dân các nước. Như được tiếp thêm sức lực mới, sau mỗi lần Festival Cafe, người dân hăng hái sản xuất, cải tiến kỹ thuật cho cà phê ngày càng tốt hơn. Lòng tin tưởng vào ngành sản xuất cà phê ngày càng được gắn chặt hơn.
Chính nhờ vậy mà vào những năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, giá vật tư phân bón tăng vọt, lưu thông phân phối gặp nhiều khó khăn, trong lúc giá cà phê lại sụt giảm, nhưng người trồng cà phê vẫn không rời bỏ cây cà phê. Nhờ những nhân tố ấy mà diện tích và năng suất cà phê không ngừng được phát triển. Kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê ngày càng tăng trưởng rất ngoạn mục. Những tư liệu đã nêu ở trên chính là các nhân tố xác định Tây Nguyên là quê hương mới của cây cà phê, đặc biệt là cây cà phê vối.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com