Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ “bùng nổ” trong 5 tháng đầu năm nay trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19 trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn như Brazil hay Colombia.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 889 nghìn tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 54% (hơn 700 triệu USD) lên mức kỷ lục 2 tỷ USD nhờ giá cà phê tăng cao. Qua đó tiếp tục củng cố vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu sau Brazil.
Hiện cà phê của Việt Nam có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Với triển vọng tích cực từ thị trường, các chuyên gia nhận định ngành cà phê đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua kỷ lục xuất khẩu 3,7 tỷ USD của năm 2012.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Mục tiêu này được cho là tương đối khả thi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc trong khi giá cà phê vẫn đang duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng.
Trong tháng 5, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt 2.284 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng trước nhưng tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.251 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tính đến đầu tháng 6, giá cà phê nhân xô tại các trong nước đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, biến động nhẹ giá Cà phê nhân xanh trung bình từ 42.500 – 43.100 đồng/kg, tương ứng tăng 7% (2.800 đồng/kg) so với cuối tháng 4.
(Tổng hợp và Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/6, giá cà phê robusta trên sàn London biến động nhẹ ở mức 2.136 USD/tấn, tăng 6% so với cuối tháng trước và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng, đạt 239,4 US cent/pound, tăng hơn 10% so với cuối tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ.
Theo Reuters, giá cà phê tăng do nguồn cung có dấu hiệu thắt chặt và đồng Real của Brazil mạnh lên so với đồng USD. Các kho dự trữ arabica được chứng nhận trên sàn ICE đã giảm xuống còn 1,06 triệu bao, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3. Rabobank cho rằng hàng tồn kho sẽ giảm trong thời gian còn lại của năm nay và có thể là cả năm sau.
Trong khi nguồn cung thế giới trong trạng thái thắt chặt thì nhu cầu tiêu dùng lại đang tăng lên. Hiện nhiều nước dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, các cửa hàng cà phê, nhà hàng, khách sạn… được phép hoạt động trở lại.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong quý I, Mỹ đã nhập khẩu 404.449 tấn cà phê, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil đạt 120.181 tấn, giảm 7,9%; nhập khẩu từ Colombia tăng 1%, từ Việt Nam tăng 11,7%, Honduras tăng 10,8%, Indonesia tăng 58,4%…
Sản lượng của Brazil và Colombia sụt giảm dẫn đến một số nhiều nhà nhập khẩu chuyển sang các nguồn cung thay thế khác từ khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia.
Tương tự, EU đã nhập khẩu 699.571 tấn cà phê trong 2 tháng đầu năm nay với trị giá hơn 3 tỷ Euro, tăng 10,6% về lượng và tăng 50% về trị giá. Brazil và Việt Nam là 2 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất vào EU, đạt lần lượt là 178.223 tấn và 83.043 tấn, số liệu từ Eurostat.
Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng tới 51,7% về lượng và tăng 89% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 304.022 tấn với trị giá 668 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực như Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha… đều tăng cao. EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu.
Một trong những lợi thế khác của Việt Nam đó là nguồn cung cà phê toàn cầu chưa thể sớm phục hồi nhanh trở lại trong ngắn hạn.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 4 đã giảm 24% so với cùng kỳ xuống còn 2,8 triệu bao (loại 60kg), mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Sự sụt giảm này là do chu kỳ sản xuất thấp hai năm một lần vào năm ngoái, trong khi sử dụng cà phê robusta của nước này ngày càng tăng và các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa chống dịch tại Trung Quốc.
Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) dự báo sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2022-2023 đạt 53,4 triệu bao, thấp hơn 2,3 triệu bao so với dự báo trước đó nhưng tăng 12% so với niên vụ 2021-2022. Mặc dù vậy, sản lượng vẫn thấp hơn 15,3% (tương ứng 9,6 triệu bao) so với vụ mùa kỷ lục 63,1 triệu bao được thu hoạch vào năm 2020.
Trong khi đó, Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC) dự báo sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ cà phê hiện tại (từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 9 năm nay) đạt khoảng 12 – 12,5 triệu bao, giảm 10% so với niên vụ trước do mưa lớn kéo dài trong điều kiện thời tiết La Nina năm thứ hai liên tiếp gây ra đối với sản xuất cà phê của Colombia.
FNC cũng dự báo xuất khẩu cà phê của Colombia sẽ giảm khoảng 7,7% trong niên vụ hiện tại, biến động nhẹ 11,5 – 12 triệu bao. Tháng 4 năm nay, xuất khẩu cà phê của Colombia giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 845.000 bao.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng thời cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu tiêu dùng tại các thị trường này giảm sút. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn.
Tại trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng khá hạn chế.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra cảnh báo, cho rằng giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Điều này có thể khiến sản lượng robusta sụt giảm 10% trong vụ sắp tới.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com