Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt 150 nghìn tấn, trị giá 392 triệu USD. So với tháng 5, con số này gần như không thay đổi về lượng và tăng 2% về giá trị.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 2.367 USD/tấn, tăng 5,2% so với nửa đầu năm ngoái.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)
Như vậy trong 9 tháng của niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê. Ngoải ra, thị trường trong nước ước tiêu thụ khoảng 200.000 tấn cho cả niên vụ. Trong khi đó, sản lượng cà phê ước giảm 10 – 15% so với niên vụ 2021 – 2022 xuống 1,6 – 1,5 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA). Như vậy tồn kho hiện tại còn rất ít, kể cả việc cộng thêm hàng tồn kho gối từ vụ trước khoảng 100.000 tấn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) dự báo lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do lượng tồn kho dần cạn, chủ yếu năm trong các nhà xuất khẩu FDI.
Simexco DakLak là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 cả nước, sau Intimex và Vĩnh Hiệp, theo số liệu niên vụ 2021 – 2022 của VICOFA.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch VICOFA cho biết theo thông lệ các công ty xuất khẩu cà phê bắt đầu mua hàng dự trữ từ cuối năm ngoái và bán dần trong năm.
Tuy nhiên, niên vụ 2022 – 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 31/9/2023), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước không thể mua hàng vì “đói vốn” khi ngân hàng siết chặt tín dụng và lãi suất quá cao.
Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nội địa đành đứng ngoài, dành sân chơi cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
“Các doanh nghiệp FDI và các quỹ bắt đầu gom hàng từ cuối năm ngoái do đó lượng hàng trong người dân cạn rất nhanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng biết điều đó nhưng bị siết tín dụng nên không đủ tiền mua cà phê. Thông thường, chúng tôi bắt đầu mua lượng hàng rất lớn từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau để bán rải rác trong nhiên vụ. Tuy nhiên, năm nay hàng trong các hộ dân hết rất sớm”, ông Hiệp nói.
Tuy nhiên theo ông Huy, việc tăng giá thời gian vừa qua cũng không có lợi cho doanh nghiệp FDI bởi họ đã giao hàng cho các nhà rang xay trước đó theo hợp đồng. Do đó, hàng tồn kho của các doanh nghiệp FDI năm nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Việc thiếu hụt nguồn cung khiến giá cà phê nội địa thời gian qua tăng phi mã, liên tục phá vỡ những kỷ lục cũ, đạt gần 67.000 đồng/kg hồi tháng 6. Có nơi thậm chí đạt 70.000 đồng/kg nhưng mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Bước sang tháng 7, giá cà phê điều chỉnh nhẹ xuống quanh mức 65.000 đồng/kg.
H.Mĩ tổng hợp
Thị trường cà phê thế giới cũng diễn biến tương tự.Sau khi đạt ngưỡng kỷ lục 2.700 USD/tấn hồi đầu tháng 6, giá cà phê robusta điều chỉnh nhẹ xuống 2.527 USD/tấn.
Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)
Ông Huy cho rằng giá hiện nay đã ở mức cao và đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua. Các nước sản xuất robusta ở Châu Á như Ấn Độ, Indonesia đều ghi nhận sản lượng giảm khoảng 20%. Còn ở Việt Nam thì gần như không còn hàng. Tuy nhiên, đã có hiện tượng một số nhà rang trên thế giới sử dụng arabica giá thấp hoặc robusta từ Brazil để thay thế, tránh dẫn tới việc tăng giá quá mức có thể chấp nhận được.
Với các nhà rang xay trong nước, với mức giá hiện tại, họ không thể tồn tại nên ít người mua. Một số ít nhà rang xay cần hàng phục vụ cho nhu cầu cuối năm nên chấp nhận mua do đó, đôi lúc giá sẽ bị đẩy lên một chút nhưng sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, dù giá liên tục đẩy lên nhưng người dân cũng không còn hàng.
“Tôi cho rằng thời gian tới, giá sẽ không còn tăng quá sốc như giai đoạn trước”, ông Huy nhận định.
Theo ông, về lâu dài để Việt Nam vẫn giữ vị thế là một cường quốc cà phê thì sản lượng cần duy trì ở mức 1,8 triệu tấn. Trong 3 năm qua, diện tích cà phê liên tục bị thu hẹp do bị thay thế bởi các loại cây ăn trái khác. Cộng thêm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khiến cây cà phê bị mất mùa, sản lượng càng giảm hơn.
“Nếu không khắc phục tình trạng này, tương lai ngành cà phê Việt Nam sẽ bị mất khách vì không có hàng để bán”, ông Huy nói thêm.
Ở một số thị trường, thị phần của cà phê Việt Nam trong năm nay bị thu hẹp. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,96% trong quý I/2022 xuống còn 13,9% trong quý I/2023, đứng thứ ba sau Brazil và Ethiopia.
Trong khi đó, thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, từ 9,12% trong quý I/2022 lên tới 31,97% trong quý I/2023.
Tại Anh, thị phần của Việt Nam cũng co hẹp xuống 18,2% so với mức 23% của quý I/2022.
Trong khi đó, giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục đã tăng. Cục Xuất nhập khẩu cho rằngmối lo thiếu hụt nguồn cung cà phê robusta trong ngắn và trung hạn tiếp tục hỗ trợ xu hướng giá tăng.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy về các thị trường hàng hóa phái sinh nhờ có tính thanh khoản cao.
Thị trường cà phê toàn cầu được hưởng lợi khi NHTW châu Âu (ECB) cho rằng lạm phát khu vực đồng Euro hiện đang ở mức rất cao và sẽ còn duy trì như vậy trong một thời gian rất dài, nên ECB cần tăng mức lãi suất lên để đủ sức kiềm chế lạm phát càng lâu càng tốt, đã gây áp lực lên USD so với các tiền tệ mạnh.
Trong khi Copom – Brazil dự kiến sẽ cắt giảm bớt lãi suất đồng Real tại phiên họp chính sách kỳ tới khiến tỷ giá USD/BRL tăng, đã thúc đẩy người Brazil giảm bán cà phê xuất khẩu, góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com