“Mình hối hận vì đã đi làm phục vụ thời sinh viên”
Đã ra trường đi làm 4 năm, mỗi khi được hỏi bạn trẻ tên Sơn cho biết luôn hối hận vì đã đi làm thêm công việc phục vụ trong suốt năm nhất đại học, anh coi đó là những công việc “hạ thấp bản thân”.
“Mình là sinh viên, tại sao mình lại đi làm công việc không sử dụng đến bộ não? Những công việc đó thì robot cũng có thể hoàn toàn thay thế được chúng ta. Suốt quãng thời gian đó, mình thấy bản thân chẳng học được gì ngoài những kỹ năng bốc vác, bưng bê, lau dọn…, chẳng thấy kỹ năng giao tiếp đâu cả”, cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Chàng trai 27 tuổi quan niệm rằng mục đích quan trọng nhất của sinh viên là học hỏi, mở mang kiến thức, nâng tầm trí tuệ chứ không phải là kiếm tiền. Nếu thời điểm này mà chỉ chăm chăm kiếm tiền thì sẽ tự đóng những cách cửa cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, phát triển bản thân.
“Dựa dẫm phụ thuộc vào gia đình không xấu nếu như mục đích đúng đắn. Bố mẹ đã nuôi mình được 18 năm, thì thêm 4-5 năm nữa thì cũng không ảnh hưởng gì lớn. Việc sống với trợ cấp của bố mẹ sẽ tạo điều kiện cho các bạn thoải mái học những điều mình thích, làm những điều mình muốn…”, Sơn nói.
Theo Sơn, làm phục vụ, như công việc ở quán cà phê, làm bảo vệ, xe ôm…, là “hạ thấp bản thân”, lãng phí tài năng và sức lực, trong khi sinh viên hoàn toàn có thể học hỏi, khám phá khả năng của bản thân ở những nơi xứng đáng hơn dù có thể thu nhập là như nhau.
Ai nói làm phục vụ là hạ thấp bản thân và không phát triển?
Không đồng tình với quan điểm của Sơn, bạn trẻ Nguyễn Hoàng Long (Hà Nội) cho rằng khi làm phục vụ, bạn có thể học rất nhiều kiến thức, kỹ năng; nếu gắn bó lâu dài thì có thể lên làm quản lý.
Long nói: “Những bạn sinh viên năng động, có sự nhiệt huyết trong công việc sau quãng thời gian làm phục vụ cũng có thể lên chức trưởng nhóm, giám sát hay thậm chí là ứng viên cho vị trí quản lý. Mức lương của họ tương đương với một nhân viên văn phòng bình thường có thâm niên 2-3 năm. Khi làm phục vụ nhà hàng, bạn sẽ được học kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và ứng biến nhanh nhẹn”.
Vào mỗi giờ ăn trưa, ăn tối, nhà hàng thường phục vụ vài trăm lượt khách, và khi giá cao, khách hàng có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ phải cao. Mức lương dành cho nhân viên phục vụ là khoảng trên dưới 20.000 đồng/tiếng và sẽ chỉ tăng lên khi bạn làm tốt, có tiến bộ.
Diệu An (Đà Nẵng) cho biết, sau 3 năm sinh viên làm phục vụ, cô đã rèn luyện được kỹ năng giao tiếp và những bài học về sự tiến bộ mà ở trường không có.
“Khi đến với nghề phục vụ, bạn sẽ có một môi trường lý tưởng để học hỏi kỹ năng giao tiếp mà ai rồi cũng cần trong cuộc sống. Bạn phải học cách mỉm cười để khách cảm thấy thoải mái”.
Theo An, khi làm nghề phục vụ, sinh viên sẽ học được cách làm việc dưới sự giám sát của 3-4 người ở những cấp độ quản lý khác nhau.
Là một quản lý nhà hàng tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai, anh Trần Thanh Tùng (Hà Nội) cho rằng khi làm phục vụ là công việc giúp các bạn trẻ rèn tư duy nhanh nhạy và cách làm việc tỉ mỉ, chu đáo, vì đó là môi trường có nhiều tình huống bất ngờ, dù khâu chuẩn bị tốt đến đâu.
Anh Tùng khẳng định: “Làm phục vụ là công việc rất tốt cho các bạn sinh viên khi còn đi học. Ở đây, bạn còn được phép sai lầm mà không phải chịu quá nhiều trách nhiệm, là khi bạn còn được dạy bảo không công, thậm chí được trả tiền để học”.
Sinh viên trường nghề nghĩ gì?
Hoàng Giang (Sinh viên năm 3, ngành Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Trường CĐ Du lịch Hà Nội) cho biết: “Việc làm phục vụ giúp mình có kỹ năng giao tiếp tiếng Pháp, tiếng Anh và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy.
Hiện mình đang làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng Pháp ở khu vực phố cổ cũng được hơn một năm rồi. Việc phải tiếp xúc thường xuyên với khách nước ngoài đã rèn luyện cho mình những kỹ năng quan trọng trong việc phát âm, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Nhờ đó mà điểm thi tiếng Anh của mình được cải thiện. Chưa kể, mình còn học được cách xử lý tình huống với người nước ngoài khi các sự cố bất ngờ xảy ra. Đó là mình luôn mong muốn được học hỏi khi đi làm phục vụ”.
Là một sinh viên ngành Quản trị nhà hàng, Trường CĐ FPT Polytechnic, Trung Dũng cũng chọn cho mình công việc bán thời gian là phục vụ, nó giúp cho Dũng có kỹ năng quan sát và nắm bắt tâm lý khách hàng.
Dũng nói: “Có thể miệng bạn luôn luôn cười để làm hài lòng khách nhưng đồng thời mắt bạn cũng phải quan sát để sẵn sàng xuất hiện những lúc khách cần. Bạn phải xem lúc nào mang món ăn lên tiếp là hợp lý, rót rượu kịp thời khi khách đã uống hết, khách có cần thêm gì trong bữa ăn không, khách có quên thanh toán bữa ăn không….Bạn phải nhanh tay nhanh mắt để ứng xử phù hợp cho mỗi tình huống xảy ra.
Nếu bạn là một người nhanh nhạy, tiếp thu tốt bạn sẽ sở hữu kỹ năng này một cách nhanh chóng. Bạn sẽ thấu hiểu được tâm lý khách hàng sau một thời gian làm việc vừa đủ. Khách đến nhà hàng gồm rất nhiều độ tuổi, sở thích, yêu cầu khác nhau nhưng nếu bạn nắm bắt tâm lý tốt bạn sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín của nhà hàng”.
Anh Lê Đăng Khoa là nhà sáng lập khu du lịch sinh thái The Bamboo, đồng sáng lập chuỗi cửa hàng 38 Flower Market Tea House luôn ủng hộ việc các bạn sinh viên đi làm thêm dù bất cứ công việc gì khi còn đi học.
“Khi đi làm thêm, các bạn sẽ có rất nhiều kiến thức thực tế cùng những tri thức nền tảng tại trường sẽ tạo nên một CV rất đẹp sau khi tốt nghiệp để vào các doanh nghiệp.
Vậy làm thêm như thế nào để đạt được hiệu quả? Khoa nghĩ, các bạn vẫn phải luôn ưu tiên hoàn thành khóa học thật tốt và hoàn chỉnh. Kiến thức nền tảng là điều bắt buộc cho bất kỳ sự nghiệp sau này. Khi chúng ta đi làm thêm thì cần tránh sa đà vào nguồn thu nhập rồi bị chi phối dẫn đến kiệt sức không thể đi học”, Anh Lê Đăng Khoa chia sẻ.
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com