Dấu chấm hỏi về tuổi thọ của những quán cà phê “độc”
Chủ mặt bằng mới tại 98 Lạc Trung cho hay, đang tìm người để cho thuê tầng 2 và tầng 3 của quán, còn quán ROBO Cafe đã đóng cửa và dời đi tầm 1 tháng trước. Theo lời chủ mới của mặt bằng này, ROBO Cafe “kinh doanh không ổn lắm. Chủ quán đã bán và thanh lý hết các vật dụng trong quán.”
6 tháng trước, ROBO Cafe vừa khai trương và thu hút nhiều sự chú ý của khách hàng và truyền thông nhờ cô robot Morta biết phục vụ. Khi được hỏi về tính bền vững của mô hình sau giai đoạn mới lạ ban đầu, anh Đỗ Trung Thanh – chủ quán cho hay chiến lược của quán là tập trung vào nâng cao chất lượng nước uống và phong cách phục vụ của nhân viên.
Tuy nhiên, có lẽ giữa hàng trăm nghìn quán cà phê khác tại Hà Nội, đồ uống và phục vụ đã không đủ kéo khách đến ROBO Cafe. Vả lại, nếu thế thì vai trò của cô robot Morta, sau khi làm tròn nhiệm vụ thu hút sự chú ý ban đầu, là gì?
Những ngày này, tình cờ có sự xuất hiện và gây sốt của những quán cà phê độc và lạ, phải nói là “khác thường,” và “có một không hai.” Đó là Ice Coffee tại Hà Nội, quán cà phê với nhiệt độ – 10 độ C, khách hàng vào quán phải mặc áo bông dày để… tránh rét giữa những ngày thủ đô nóng như chảo lửa. Hay “café hồ cá” tại Sài Gòn, nơi khách ngồi uống cà phê bên trên còn dưới chân là… cá đang tung tăng bơi lội.
Cả hai quán cà phê trên đều gây ra một cơn sốt nhất định. Khách hàng rỉ tai nhau đến quán, họ đứng chờ thành hàng dài trước quán, thậm chí sẵn sàng chờ 1, 2 tiếng để được trải nghiệm dịch vụ độc đáo.
Nhưng không thể không đặt dấu chấm hỏi về tính bền vững của những quán cà phê này. Liệu khách hàng có còn quay trở lại với quán sau khi cơn lốc “tò mò” qua đi? Trong khi chi phí và công sức để duy trì sự “độc” không hề đơn giản: Ice Coffee phải thay băng 10 ngày/lần, tiền điện để duy trì hệ thống làm lạnh (để băng không tan) được ước tính 30 – 50 triệu đồng/tháng. Còn với “café hồ cá,” việc thay nước để giữ vệ sinh và chăm lo cho đàn cá xem ra cũng khá đau đầu.
Còn nhớ vài năm trước, một quán cà phê cực “độc” tại Hà Nội – Pet Café, cà phê bò sát – đã tạo ra cơn sốt tương tự. Quán cà phê với trăn, rắn, thằn lằn, kỳ đà… thu hút nhiều sự chú ý của khách hàng và báo chí trong thời gian mới mở.
Tuy nhiên, sau giai đoạn gây sốt ban đầu, chủ quán phải tìm cách khai thác nguồn khách mới: khách nước ngoài tới… tham quan, biến quán cà phê thành câu lạc bộ dành cho người yêu bò sát, cộng thêm các dịch vụ mua bán thức ăn, chăm thuê thú cưng… để tăng nguồn thu. Vì để mở quán cà phê này, theo Zing, chủ quán phải bỏ vốn khoảng 300 triệu đồng, chi phí mỗi tháng hết khoảng gần 60 triệu đồng. Mỗi ngày quán phải thu vào ít nhất 2 triệu mới mong có lãi (thời điểm 2014).
Câu chuyện của những “người đi trước” như quán cà phê bò sát hay ROBO Cafe cho thấy, yếu tố “độc” chỉ có lợi thế về thu hút khách hàng và sự chú ý ban đầu. Còn sau đó, làm sao khách hàng quay lại, làm sao để doanh số đủ cho quán tồn tại vẫn là một dấu hỏi lớn. Chữ “độc” không thể bảo chứng cho chữ “bền.”
Làm sao để bền?
Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không kể tên một quán cà phê “độc” mà có sức sống lâu dài.
Reng Reng Cafe, một quán cà phê khác tại Hà Nội, với những quy định “ngặt nghèo” như: khách không được nói chuyện to, không nói chuyện điện thoại trong quán, không wifi… đã tồn tại được 2014 đến nay.
Dù bị nhiều người chê là “làm chảnh,” “không cần khách,” nhưng quán cà phê “chọc lọc” khách này lại có một lượng khách quen nhất định. Họ thích đến quán vì tại đây không gian riêng để thưởng thức cà phê được tôn trọng. Tức cái “độc” trở thành cốt lõi trong tinh thần của quán, là điểm thu hút một đối tượng khách có chung mối quan tâm. Dĩ nhiên, khách thích trải nghiệm có-một-không-hai tại quán sẽ đến quán thường xuyên, và thành khách quen.
Về các quán cà phê độc lạ, Nguyễn Hải Ninh – Sáng lập The Coffee House từng chia sẻ:
“Làm sao cuối cùng khách hàng bước vào thấy không gian café này không phải là thứ gì dị hợm, tách ra khỏi khu dân cư, nó phải là nơi thuộc về trong thói quen của họ. Phải như vậy thì business của mình mới tồn tại được 5 năm, 10 năm, 20 năm. Chứ giờ xây quán cà phê – 10 độ, nhiều băng, người ta ghé được 1-2 lần rồi sao, người ta đâu ghé lần 3, 4 làm gì.”
Chuyên gia Đoàn Đức Thuận, Managing Director, StrategyM Consulting cũng từng có một phát biểu về các ý tưởng sáng tạo:
“Có nhiều ý tưởng hay nhưng không bán được. Bán được thì gọi là innovation, còn không thì gọi là creativity.” Theo ông Thuận, ý tưởng bán được thì phải giải quyết được vấn đề, nhu cầu của khách hàng.
Nếu chỉ nhắm đến sự chú ý, tò mò nhất thời thì e rằng độc lạ đến đâu cũng không thể tồn tại lâu dài.
Thảo Thảo
- Xưởng Rang Trà Cafe
- Liên hệ:Barista Mr Nghĩa
- Zalo(Phone): 0942322324
- Email: tracafelamdong@gmail.com
- Website: www.rangxaycafe.com